LONG HOÀ CỔ TỰ

Chùa Long Hòa, tên thường gọi là Long Hòa cổ tự, tọa lạc ở phía Tây Nam núi Tiên Cước (còn gọi là núi Chân Tiên), ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chùa được xây dựng vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XVIII. Chùa Long Hòa từng là nơi hành hương của những người dân chài lưới ở xóm Chợ Bến (ấp An Thạnh). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Long Hòa còn là địa điểm họat động cách mạng.

Theo long vị được thờ tại chùa ghi rõ năm 1885 Hòa thượng Đồng Đế (Hải Hội – Chánh Niệm) quê ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vào Bà Rịa hoằng hoá được mời làm trụ trì chùa Long Hòa. Năm 1905 Hòa thượng Đồng Đế viên tịch, đồ chúng lập Tháp thờ bên cạnh chùa Long Hòa, đệ tử sư Thanh Hạnh – Huệ Chiếu kế thế trụ trì (Hòa thượng Đồng Đế thế danh Đỗ Chánh Tâm sinh năm Giáp Ngọ 1834 viên tịch 18/5/1905 trụ thế 71 năm là vị tổ thứ 40 Lâm tế chánh tông).
Năm 1924 Hòa thượng Thanh Kế – Huệ Đăng phát tâm kêu gọi phật tử ủng hộ công sức trùng tu, một số cột, kèo, xiên, xà gồ, đòn tay, rui mè được thay thế lại bằng các loại gỗ tốt, mái lợp ngói móc, Tường bao quanh được xây bằng đá xanh kiểu “da quy” hoàn tất năm 1929 và tồn tại cho đến ngày nay.
Mùa an cư Kiết hạ năm 1931 Hòa thượng Huệ Đăng làm thiền chủ kiêm pháp sư trụ trì quản lý Tổ Đình. Năm 1941 Hòa thượng Huệ Đăng về Bình Định, đệ tử Trừng Điền – Pháp Bửu trụ trì, năm 1988 Hòa thượng viên tịch.
Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và tính thẩm mỹ cao như Đại hồng chung đúc năm Đinh Tỵ (1737), hoành phi, câu đối và các nhóm tượng làm bằng gỗ quí.

Chùa được trùng tu, tôn tạo lần đầu vào năm 1929 với kiến trúc theo kiểu dáng chữ tam, gồm 3 dãy nhà: chánh điện (nơi thờ các vị Phật), nhà khách (nơi thuyết giảng và trao đổi kinh Phật) và nhà ăn phục vụ khách hành hương. Chùa Long Hòa hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng gỗ chạm trổ công phu, sắc sảo và nhiều hiện vật bằng đồng có niên đại cách đây trên 200 năm. Ngoài ra hoành phi, câu đối, tranh trang trí ở chùa Long Hòa là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị lịch sử về mặt tâm linh và thẩm mỹ.

Điêu khắc và trang trí trong chùa là nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật đương thời. Những Di vật còn lại ngày nay cho chúng ta thưởng thức những đường nét tạo hình khéo léo, mang tính logic và sáng tạo. Những Hoành phi, Câu đối, cá “hoá long” được các nghệ nhân thể hiện theo nguyên tắc kết nối vô tận tạo cảm giác về một thế giới không cùng, cái vô hạn trong cái hữu hạn rất phong phú phù hợp với tinh thần giáo lý nhà Phật.
Màu sắc, ánh sáng trong chùa phối hợp với nhau cùng kiến trúc hòa thành một tổng thể nghệ thuật giàu tính sáng tạo, giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm về sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc, ánh sáng và kiến trúc Phậtgiáo vùng Đông Nam bộ.

Hàng năm, chùa Long Hòa là nơi tổ chức các ngày lễ truyền thống như lễ tắm Phật đản sinh; lễ Vu Lan báo ân, báo hiếu; lễ Sóc Vọng, lễ Tam Nguyên…

Tin Cùng Chuyên Mục