Tổ đình Quán Thế Âm toạ lạc tại số 90 Thích Quảng Đức, Phường 5, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa do một nhóm sĩ quan thuộc binh chủng lính thủy, trong đó có người Việt và người Pháp thành lập năm 1920 nhằm đền ơn cứu mạng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhân một lần hành quân trên biển, tàu của họ bị máy bay Đức bắn thủng. Trong lúc thập tử nhất sinh, viên sĩ quan người Việt là thượng sĩ Dương Phong Quang cất tiếng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và mọi người cùng niệm theo nên thoát nạn.
Sau này, khi vào đất liền, họ cùng nhau mua đất lập ngôi chùa mang tên vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm, như một hành động tri ân, đồng thời lập nên Hội lính thủy, tiếng Pháp gọi là Hội Matalot, nên dân quanh vùng thường gọi chùa là chùa Manh-Lô hay Mạch-Lô, về sau còn gọi thêm là Bạch-Lô (mũ trắng), do Bồ-tát Quán Âm và lính thủy cùng đội… mũ trắng!
Trải qua thịnh suy của thời cuộc, ngôi chùa không còn đứng vững trước sự tàn phá của chiến tranh, băng hoại theo thời gian nghiệt ngã cũng như sự hủy hoại của con người. Thương cho cảnh “thiện tín tắm nắng tụng kinh, che tơi lạy Phật”, thuyền sắp chìm có phép mầu cứu độ, chùa sắp xóa tên đâu thể không có người cứu nguy…
Mặc dầu trải qua nhiều đời trụ trì, song ngôi chùa dường như không thể cất mình vươn lên. Mãi đến cuối năm 1959, HT.Thích Quảng Đức dừng chân nơi đây và được ông Lý Văn Lang thỉnh làm trụ trì để trùng hưng lại ngôi già-lam, trang nghiêm thánh địa. Với đức độ của bậc chân tu, ngôi chùa dần sống lại, lật sang trang sử mới. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, Pháp nạn năm 1963 diễn ra, đạo pháp có nguy cơ diệt vong; bậc long tượng không thể làm ngơ trước thời cuộc, không thể ngồi yên, lo việc dựng xây tự viện.
Thế rồi, ngài đã dùng đuốc tuệ soi đêm trường tăm tối, lấy tinh thần bất bạo động mà cảm hóa những kẻ ác tâm. Ngọn lửa hào hùng không chỉ khiến hàng triệu người con Việt Nam yêu quê hương, đạo pháp rơi lệ mà còn gây nên nỗi xúc động, niềm kính trọng của hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Những giá trị thiêng liêng làm nên ngôi chùa lịch sử
Sau khi HT.Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Đình Chiểu), đến năm 1966, HT.Thích Thông Bửu là trưởng tử đã kế thừa trụ trì phát triển ngôi già-lam.
Từ khi nhận lãnh trách nhiệm, HT.Thích Thông Bửu đã cho trùng tu lại chánh điện; xây mới núi Phổ Đà và tạc tượng Bồ-tát Quán Thế Âm thập nhất diện bằng đá hồng hoa cương; xây bảo tháp Lửa từ bi; đúc tượng đồng Đức Phật Thích Ca hơn 4 tấn; tạc tượng đồng của Bồ-tát Quảng Đức nặng 1 tấn; xây nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật của Bồ-tát Quảng Đức và nhiều công trình khác để ngôi già-lam ngày thêm trang nghiêm, tráng lệ.
Năm 2007, HT.Thích Thông Bửu viên tịch, chư đệ tử tiếp tục noi gương thầy tấn tu hành đạo, giữ gìn truyền thống của chốn tổ già-lam.
Với những đóng góp cho dân tộc, cũng như những ấn tích một thời lịch sử của ngôi chùa đã được ghi nhận, ngày 25-6-2015, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 3086, công nhận tổ đình Quán Thế Âm là di tích lịch sử cấp thành phố.
Về tiêu chí để được công nhận là di tích lịch sử, theo TT.Thích Giác Trí, Thư ký BTS PG Q.Phú Nhuận, trụ trì chùa hiện nay, cho biết: “Nơi đây là di tích sau cùng của Bồ-tát Thích Quảng Đức; bên cạnh đó, chùa cũng là nơi nuôi dưỡng và che giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước; HT.Thích Thông Bửu, vị kế thế trụ trì, đã mở nhà máy in Phổ Đà Sơn với ấn phẩm tạp chí An Lạc xuất bản từ năm 1966 đến năm 1975. Bên cạnh đó, ở đây còn là nơi in ấn tài liệu chống chiến tranh, vận động hòa bình… cho đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập”.