Chùa Hồi Long toạ lạc tại xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một trong những ngôi chùa cổ linh thiêng còn tồn tại đến ngày nay như một thắng tích của mảnh đất xứ Thanh. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XI dưới thời vua Lý Công Uẩn.
Chùa xưa tọa lạc trên một cồn cát cao bằng phẳng, thuộc thế đất “Tọa sơn hướng thủy”, tựa lưng vào núi Linh Trường, mặt hướng về nơi gặp gỡ của hai dòng sông là sông Mã và sông Cung. Nhắc về ngôi chùa cổ linh thiêng này, nhân dân trong vùng thường nói tới tích “Rồng quay về” – bắt nguồn từ việc đặt tên cho ngôi chùa qua đôi câu đối nổi tiếng “Thiên khai Ngọc Chuế danh lam thắng/ Địa dẫn Hồi Long cổ tích truyền”. Tuy nhiên, chùa xưa nay chỉ còn giữ được nền cũ và cổng tam quan. Chính vì ý nghĩa tâm linh to lớn và những giá trị quý giá cần được bảo tồn mà UBND huyện Hoằng Hóa đã phê duyệt cho phép phục dựng trên cơ sở công đức thập phương. Năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã bổ nhiệm sư thầy Thích Đàm Ngoan về trụ trì ngôi chùa. Kể từ đây, sư thầy đã cùng các tăng ni phật tử trong chùa và đông đảo khách thập phương không ngừng đóng góp tài lực, trí tuệ để tu tạo ngôi chùa.
Chùa Hồi Long được quy hoạch trên diện tích 3 ha với thiết kế gồm ba khu là khu tâm linh, khu từ thiện và khu dưỡng lão. Sáng 9/2 Âm lịch năm Ất Mùi, tại chùa Hồi Long đã khánh thành ngôi Đại Hùng bảo điện (tức ngôi Tam bảo) – công trình đầu tiên thuộc khu Tâm linh. Ngôi Tam Bảo được hợp thành bởi 3 gian hậu cung, trung đường, tiền đường và 2 hành lang lan can đá với lối kiến trúc khá độc đáo. Tòa tam bảo được dựng lên bởi 32 cây cột gỗ dài và 48 cột đá, sử dụng gần 400 khối gỗ thành khí với nhiều loại gỗ quý như Đinh Hương, Chò Chỉ, Lim, Sến,… Theo sư thầy Thích Đàm Ngoan cho biết để xây dựng hoàn thiện từng phần của công trình, nhà chùa đã huy động thợ và nghệ nhân nổi tiếng đến từ Nam Định, Huế,… Nền chùa được tôn cao 1,8m, mái chùa cao thoáng, sử dụng tông màu sơn chủ đạo là vàng, nâu cộng với lối trang trí mái đao rồng phượng cầu kỳ góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp mắt, thể hiện sự kết hợp văn hóa của nhiều vùng miền. Phía trong chùa có 11 pho tượng được làm bằng gỗ và đồng trong đó pho tượng lớn nhất là tượng Phật Di Đà cao 3,3m.
Với quần thể kiến trúc độc đáo, chùa Hồi Long đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước. Mỗi năm vào mùa lễ hội, nhà chùa tiếp đón rất nhiều đoàn du khách đến thăm viếng và vãn cảnh chùa. Hy vọng trong tương lai, dự án tôn tạo chùa Hồi Long sẽ sớm hoàn thiện để danh thắng xứ Thanh này trở thành một điểm đến lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.