CHÙA MÈO

Chùa Mèo toạ lạc trên một quả đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Bên tả có dãy núi Pù Bằng, bên hữu có dãy núi Pù Rinh. Trước mặt lại có dòng sông Âm chảy ngang qua. Chùa Mèo hay còn gọi là đỉnh Miêu Tự được xây dựng từ thế kỷ XIII. Chùa được hình thành từ thời Trần lúc bấy giờ chùa có tên là Chùa Chu và được mệnh danh là một trong 3 ngôi chùa lớn nhất xứ Thanh lúc bấy giờ.

Ngôi chùa gắn liền với mọi biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc. Nhiều sự kiện chống ngoại xâm thời Lê đã xảy ra trên địa bàn vùng chùa Mèo và huyện Lang Chánh. Vì vậy, chùa Mèo khá linh thiêng và có nhiều dấu ấn huyền tích.

Khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, tương truyền một lần Lê Lợi và nghĩa quân đã vào chùa Chu thắp hương khấn phật, cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Đuổi giặc Minh xong, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Sau đó, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh thắng lợi đã có Chiếu chỉ tu sửa, tôn tạo chùa Mèo.

Chùa Mèo được xây cất theo kiểu Tam quan và lợp bằng ngói mũi. Chùa Mèo còn giữ được duy nhất chiếc chuông quý, hiện nay đang được đưa về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lưu giữ. Chiếc chuông  ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718). Lúc này nước Đại Việt dưới triều Lê, do Vua Lê Dụ Tông trị vì.

Quả chuông có kích thước khá lớn, có thể xếp vào loại Đại Hồng chung, cao 1,09m đường kính miệng 0,5m. Chuông được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng, ngoắc đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ. Chiếc chuông còn nguyên vẹn này mang giá trị nghệ thuật cao, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật thời Lê.

Bên cạnh giá trị mỹ thuật, những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông còn là minh chứng  về  dấu ấn hoạt động Lê Lợi ở  nơi đây, một vùng đất cũng vốn là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn. Trong sách Lam Sơn Thực Lục (viết năm 1431), vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, là thủ lĩnh kêu gọi tập hợp sự đoàn kết nhân dân các dân tộc ở vùng núi xứ Thanh cùng khởi nghĩa. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, Lê Lợi dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa giúp đỡ để đấu tranh chống quân Minh xâm lược.

Đặc biệt, bài minh văn trên chuông đồng ở chùa Mèo ghi lại đậm nét quá trình xây dựng chùa Mèo của nhân dân các dân tộc nơi đây. Một đoạn trích của bài minh viết như sau:  “Nay ở Châu Lang Chánh có chùa Đỉnh Miêu được xây dựng ở nơi có phong cảnh kỳ tú, xứng danh là một thắng cảnh quê hương. Để cảnh chùa thêm linh thiêng trong việc thờ phụng Phật, Thánh đông đảo bà con ở nhiều bản hội trong xứ Thanh Hoa cùng nhau tổ chức hưng công đức quả chuông đồng lớn ở chùa Đỉnh Miêu…”.

Ngôi chùa Đỉnh Miêu đã tồn tại lâu đời và chứng kiến nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc và xứ Châu Lang. Qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống đế quốc Mỹ, ngôi chùa đã bị hư hỏng hoàn toàn. Nhưng đến nay chùa Mèo vẫn hiện diện trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng đất Lang Chánh.

Năm 2005, chùa Mèo được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Được UBND huyện Lang Chánh lấy ngày 6, 7 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống. Nhân dân trong vùng thường đến cầu an, cầu tài, cầu phúc. Vào các ngày tuần rằm, mồng một hàng tháng, mọi người đến chùa Mèo dâng hương để cầu những điều may mắn đến cho gia đình, cho bản thân. Hiện nay, Chùa Mèo đang từng bước trùng tu, tôn tạo, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn của nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh và du khách thập phương.

Tin Cùng Chuyên Mục