CHÙA VĨNH BỬU (NI VIỆN VĨNH BỬU)

Chùa Vĩnh Bửu tọa lạc tại ấp Thạnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Năm 1939, Ban Trị sự hội chùa Vĩnh Bửu đã lập tờ bàn giao chùa cho Hòa thượng Lê Khánh Hòa, pháp danh Như Trí và Hòa thượng Nguyễn Văn Ân, pháp danh Huệ Quang. Đây là những danh Tăng, có đóng góp rất nhiều trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Sau khi nhận chùa Vĩnh Bửu, Hòa thượng Khánh Hòa đã ra sức và trợ duyên để xây dựng thành Ni viện, nhằm đào tạo Ni giới Phật giáo góp sức cho phong trào chấn hưng.

Chùa Vĩnh Bửu

Người đăng: Chùa Việt vào Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Ngược dòng thời gian, Ni viện Vĩnh Bửu được thành lập năm 1939 trên phần đất do ông Hội đồng Hoài hiến cúng cho nhị vị Hòa thượng Khánh Hòa và Huệ Quang, nay thuộc xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Cả hai ngài đều là danh Tăng của Phật giáo Nam bộ, cùng có công khởi xướng Phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX. Hòa thượng Khánh Hòa mong muốn xây dựng chùa này thành một Ni viện để đào tạo Ni tài góp sức cho phong trào này. Do vậy, từ Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), có nhiều vị Ni theo chân Tổ Khánh Hòa về đây thụ học như: Sư bà Từ Nguyên, Sư bà Hải Huệ, Sư bà Như Trí, Sư bà Giác Nhẫn,…Một năm sau đó, tức 1940, cụ Tổ Khánh Hòa, do duyên sự cần an dưỡng tịnh tu, nên giao phó ngôi chùa này cho vị đệ tử Ni tài đức là Ni trưởng Như Huệ – Diệu Ninh (1914-1984) để về chùa Tuyên Linh. Sư bà Diệu Ninh, với năng lực tổ chức chu toàn, đã qui tụ chư Ni từ các tỉnh, thành miển Tây về Ni viện Vĩnh Bửu nhằm nâng cao trình độ Phật học. Chùa Vĩnh Bửu được mở mang, ngoài sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp, còn nhiệt tình tham gia cứu trợ xã hội như nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, mở nhà bảo sanh ngõ hầu giúp đỡ người dân quê khốn khó. Ngoài ra, Sư bà còn bí mật ủng hộ phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt, năm 1954, nhận thấy ngôi chùa Vĩnh Bửu không thể an toàn cho chư Ni tu học, Ni trưởng Diệu Ninh giải tán lớp học, lên Sài Gòn nhập hạ tại chùa Huê Lâm rồi tham gia thành lập Ni bộ Bắc Tông. Về sau, Ni trưởng tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Quản viện Từ Nghiêm cho đến ngày viên tịch. Vì thế, Sư bà bàn giao lại ngôi chùa Vĩnh Bửu cho hai vị đệ tử Ni là Như Đắc và Như Tâm. Khói lửa và bom đạn chiến tranh đã hủy hoại ngôi chùa Vĩnh Bửu tan hoang. Riêng Ni sư Như Tâm và người mẹ ruột bị giặc Mỹ bắn làm tử vong trong một trận càn quét ngay tại chùa vào năm 1968.

Trước cảnh tượng đau thương ấy, với quyết tâm giữ lại ngôi chùa được Tổ Khánh Hòa phó chúc, Sư bà Diệu Ninh đã cử người đệ tử thứ tư có sinh quán tại địa phương là Thích Nữ Như Chơn đang tu học tại chùa Dược Sư (Sài Gòn) về tiếp tục bám trụ và giữ gìn Ni viện Vĩnh Bửu vào năm 1970. Lập tức, Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn tiến hành xây dựng lại chùa với kết cấu đơn giản bằng cột xi măng, mái lợp tole trong thời điểm chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt trên vùng quê Mỏ Cày.

Mãi đến năm 2004, trước tình cảnh chùa ngày càng xuống cấp trầm trọng, Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn đã ra sức vận động chư huynh đệ trong tông môn ở nhiều tỉnh, thành lẫn Phật tử Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đại trùng tu Ni viện Vĩnh Bửu. Nhờ vậy, ngày nay, chùa Vĩnh Bửu trông thật khang trang và đẹp mắt. Cổng tam quan chùa nằm cạnh dòng sông Thom hiền hòa lặng lẽ, xung quanh là những tán dừa xanh rủ bóng, một phong cảnh đặc trưng của quê Dừa Bến Tre. Sân chùa khá rộng rãi, đồng thời có trồng nhiều hoa kiểng đẹp mắt, nhất là không thể nhắc đến ngôi Bảo tháp An Lạc- nơi tôn trí xá lợi của Sư Bà Diệu Ninh. Gần đó là một ngôi tháp vọng để tưởng nhớ Tổ Khánh Hòa. Nhìn tổng thể, kiến trúc chùa gồm 3 gian nhà nối liền. Gian chánh điện thờ tôn tượng Phật Thích Ca ở giữa, còn hai bên phối thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng. Hậu điện để thờ Tổ và sau cùng là nhà bếp. Đặc biệt, bàn thờ Tổ có đặt tôn tượng Ngài A-Nan, vị thị giả thân cận của đức Phật, người tạo duyên cho nữ giới được xuất gia trở thành tỳ kheo Ni. Ngoài ra, nơi đây còn tôn thờ di ảnh cụ Tổ Khánh Hòa. Bên trái là bàn thờ Ni trưởng Diệu Ninh. Đặc biệt, Chùa Vĩnh Bửu còn là nơi lưu giữ hai “báu vật” của vị Danh Tăng Khánh Hòa. Đó là bộ y và chiết bát bằng gáo dừa của cụ Tổ ngày trước luôn được Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn lưu giữ cẩn thận.

Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn – đương kim trụ trì ngôi chùa Vĩnh Bửu, vị tôn đức Ni cao niên, tu tập miên mật của quê Dừa Bến Tre. Thế danh của Ni trưởng là Thái Thị Kiều, sinh năm 1943 tại Mỏ Cày. Ni trưởng đã không ngại gian khổ tiếp nhận ngôi chùa vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Cảnh bom đạn tàn phá mỗi ngày không làm lui bước người tu sĩ Phật giáo với quyết tâm giữ gìn tổ ấn tông phong, nối truyền mạng mạch Phật pháp tưởng chừng như đã chấm dứt. Không những vậy, Ni trưởng còn bí mật tham gia cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ngay trên quê hương Mỏ Cày kiên cường, dũng cảm. Sau khi hòa bình lập lại, nữ tu sĩ Phật giáo Thích Nữ Như Chơn, đồng thời còn người thương binh hạng 4/4, chẳng quản khó nhọc, tích cực tham gia công tác Phật sự địa phương và giúp đỡ cộng đồng xã hội. Ni trưởng từng được tín nhiệm suy cử vào chức vụ Ủy viên Ban Trị sự kiêm Phó Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre, nay là đương vị chứng minh Phân ban này. Với tư cách là Ủy viên UBMTTQVN huyện Mỏ Cày Bắc, Ni trưởng còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như xây cầu, cất nhà tình thương, nuôi dưỡng người nghèo, nấu cơm từ thiện hàng tháng cho Bệnh viện Cù Lao Minh,…Ước lượng kinh phí hoạt động từ thiện hằng năm của chùa Vĩnh Bửu từ 6 đến 8 tỷ đồng. Những việc làm đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn của Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn được chính quyền tỉnh Bến Tre ghi nhận và tin tưởng, được người dân địa phương đánh giá rất cao. Cho nên, nhiều năm liền, bản thân Ni trưởng vinh dự được nhận nhiều bằng khen cấp TW, cấp tỉnh cũng như Bằng Tuyên dương công đức của TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre.

Để giữ gìn truyền thống tông môn lẫn kết nối tình huynh đệ, ngày mùng mười tháng giêng hằng năm, Ni viện Vĩnh Bửu trang nghiêm tổ chức cúng giỗ Ni trưởng Diệu Ninh. Đây là cơ hội để hàng đệ tử quay quần về ngôi chùa xưa để tưởng nhớ công đức sâu dày của vị tôn sư khả kính, đạo hạnh cao thâm miên trường của họ: Sư bà Diệu Ninh- một vị danh Ni lẫn niềm tự hào lớn cho Ni giới Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.

Gần đây, Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn tích cực vận động tài chánh trong ngoài huynh đệ tông phong xây ngôi giảng đường Khánh Hòa ở chùa Tuyên Linh với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Giảng đường được khánh thành vào đúng ngày giỗ Tổ Khánh Hòa 19/6 âm lịch năm Đinh Dậu (2017). Vậy là ước nguyện ngày nào của Ni trưởng Thích Nữ Như Chơn lẫn chư huynh đệ đồng môn nay đã thành hiện thực:

Chốn Tổ được trùng hưng
                           Đèn thiền khơi sáng lại!
                           Tự hào huynh đệ tông phong,
                     Truyền đăng tục diệm nối dòng Thích Ca
                            Vinh danh cụ Tổ Khánh Hòa
                      Xứ Dừa lưu dấu phong trào chấn hưng! 

Thật tự hào về Ni viện Vĩnh Bửu-ngôi chùa Ni đầu tiên của tỉnh Bến Tre do Tổ Khánh Hòa sáng lập.

Tin Cùng Chuyên Mục