CHÙA TRUNG HÀNH

Chùa Trung Hành toạ lạc tại phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Miếu – chùa Trung Hành khi xưa thuộc làng Trung Hành, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Miếu – chùa Trung Hành là một địa điểm linh thiêng nổi tiếng đối với người dân Hải Phòng nói chung và đối với người dân quận Hải An nói riêng. Đây là một ngôi chùa có tín ngưỡng văn hóa lâu năm và mang những nét độc đáo, riêng biệt.

Theo các ghi chép lịch sử, làng Trung Hành xưa kia là vùng đất được Ngô Quyền đóng quân. Đây là nơi chủ yếu huy động sức người, sức của nhằm đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước ta. Làng Trung Hành là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền. Bởi vậy, Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc và công nhận việc thờ tự Ngô Vương.

Đặc biệt, Trung Hành vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều người đỗ đạt, nhiều văn quan, võ tướng có tài, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Ngạn ngữ có câu: “An Dương – Trung Hành, Kim Thành – Quỳnh Khê, thế ngôn chi đa sĩ”, mang ý nghĩa là: làng Trung Hành, huyện An Dương, làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành đời truyền có nhiều người đỗ đạt, làm quan.

Miếu – chùa Trung Hành là cụm di tích được Bộ văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Miếu Trung Hành có quy mô vừa phải, phù hợp với cảnh quan trong khu dân cư. Vào thế kỷ 17, cụm miếu đã được trùng tu lớn, dấu vết còn để lại trên 4 cây cột cái sơn son tại tòa bái đường.

Cụm miếu có công trình quy mô khép kín gồm: Kiến trúc cổng, tòa bái đường, hai bên đài vũ, cung ngoài, cung trong kiểu nội công, ngoại quốc. Ngôi chùa được dựng lên bằng chính những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân làng xã, với những vật liệu truyền thống như: gỗ, đá, ngói, gạch Bát Tràng,…

Ngôi miếu cổ mang một nét kiến trúc vô cùng độc đáo, hai toà dải vũ đứng song hành nơi bái đường với thềm hiên cung ngoài tạo thành một kiến trúc liên hoàn. Khoảng sân của miếu mang hình chữ khẩu, với ba lớp bậc bằng đá xanh, kiểu bệ sân rồng trước nơi cung cấm. Sân chữ khẩu là nơi diễn ra các nghi lễ chính thống của dân làng. Cung trong và cung ngoài của miếu cổ tập hợp các cổ vật quen thuộc như kiệu bát cống, giá chiêng, bộ bát biểu, nhiều di vật bằng đồng như chuông, trống, khay đèn nến, đỉnh đốt trầm, đồ gốm sứ như độc bình, choé men hoa lam,…

Điểm đặc biệt trong kiến trúc của cụm miếu Trung Hành đó chính là pho tượng thờ Ngô Vương tại đây. Tượng Ngô Vương được tạo ra trong tư thế toạ thiền trên ngai rồng, chân phải lộ rõ trên lòng đùi gối trái, được mô phỏng tương tự như dáng ngồi của Phật. Tượng theo lối trụ tròn, trang phục mũ áo hoa vân rồng, mây lửa trang trí trên vai áo, bối tử liền, tay phải cầm hốt vàng…thể hiện rõ uy thế của vị vương trước sự tôn kính của toàn thể dân làng. 

Cách miếu chừng 300m về bên trái, cùng hướng Tây với ngôi miếu cổ thờ Ngô Vương là chùa Trung Hành, tên gọi cũ là Hưng Khánh Tự. Ngôi chùa cổ có nhiều hành lang, dãy dọc mộ tháp, vườn bia cổng tam quan và gác chuông bề thế. Nhìn từ con đường liên xã, qua lớp cổng tam quan là toà Phật điện hình chữ công và hai dãy hành lang. Phía sau Phật điện là vườn bia và nhà thờ tổ. Chùa Trung Hành có nhiều bóng cây cổ thụ rợp tỏa bóng mát, tạo cảnh sắc hài hòa và góp phần tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.

Cổng chùa đồng thời là gác chuông, cổng giữa được lợp ngói cổ có 12 mái. Kiến trúc cổng chùa mang ý nghĩa dịch học sâu sắc, biểu thị ba thành phần cơ bản của vũ trụ là: trời – đất – con người. Trên nóc cao của tầng giữa treo quả chuông đồng cao 1,4m đúc năm Minh Mạng thứ ba (1823). Toà Phật điện của chùa Trung Hành hiện diện đầy đủ các pho tượng cơ bản như: Tam thế, Adi đà, Văn thù, Phổ hiền, Hộ thiện trừ ác,… Đáng quan tâm nhất là nhóm hiện vật bằng đá mang niên đại nghệ thuật Mạc thế kỷ XVI. Đó là phần đế cách điệu hình búp sen của ba pho tượng tam thế. Bên phía toà Phật điện còn lưu giữ một pho tượng vị Hoàng đế nhà Mạc. 

Lễ hội tại Trung Hành được diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội có tục múa roi đặc sắc, diễn lại khí thế xung quân, giết giặc oai hùng của quân đội thời Ngô Vương. Lễ hội này đã thu hút đông đảo nhân dân và các du khách thập phương đến dự lễ và thưởng thức các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Tin Cùng Chuyên Mục