CHÙA TRĂM GIAN (VĨNH KHÁNH TỰ)

Chùa An Ninh (tên chữ: Vĩnh Khánh tự), dân gian gọi là Chùa Trăm Gian xứ Đông, ở Vạn Lộng trang sau đổi thành làng An Ninh rồi An Đông thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chùa có từ thời Trần, trùng tu vào thời Lê và Nguyễn, hiện còn 85 gian, 37 pho tượng gỗ, hàng trăm bản in kinh Phật và nhiều cổ vật có giá trị. Đây là một ngôi chùa lớn, kiến trúc còn khá hoàn chỉnh. Hàng năm, vào ngày 13 tháng 9, chùa tổ chức lễ hội.

Chùa Trăm Gian, tên chữ là Vĩnh Khánh tự, tọa lạc tại làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chùa được hình thành từ thời nhà Đinh (Vua Đinh Tiên Hoàng).

Tới đời Vua Lý Công Uẩn, chùa vẫn chỉ là một am nhỏ, tục gọi là Vãn Lộng Tự. Người dân nơi đây thường gọi là chùa An Ninh. Năm 1990, chùa Trăm Gian được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Vừa qua, chùa được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định công nhận là một trong năm điểm du lịch của huyện Nam Sách.

Chùa Trăm Gian với khuôn viên rộng hàng vạn mét vuông, không gian yên tĩnh, thanh tịnh. Trước đó, chùa Trăm Gian chỉ là một ngôi chùa nhỏ. Tương truyền, vào thời Lê Cảnh Hưng (nhà Hậu Lê), có nhà sư trụ trì trong chùa ngày nào cũng ăn đậu phụ và rau muống, nhưng sức khỏe lúc nào cũng tốt. Nhà vua thấy lạ, liền sai quân lính truyền nhà sư vào triều. Sau hơn một năm trong hoàng cung, nhà sư vẫn chỉ ăn như vậy mà không hề ảnh hưởng sức khỏe, đồng thời thường xuyên giảng kinh Phật cho vua quan trong triều. Từ khi nghe kinh Phật, Vua quan cùng triều thần tinh thần phấn khởi, cảm thấy thư thái, nên vua đã ban thưởng cho sư trụ trì. Nhà sư đã cầm số ngân lượng đó về trùng tu, xây dựng hàng trăm gian chùa, từ đó chùa được gọi là chùa Trăm Gian.

Theo một số tài liệu lịch sử, Chùa Trăm gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII đến năm Chính Hòa (1691) đời vua Lê Hy Tông sửa thượng điện, năm Vĩnh Thịnh thứ 1 (1705) đời vua Lê Dụ Tông vua tiếp tức sửa thượng điện, các năm 1740, 1809 tư sửa và tôn tạo khá nhiều công trình trong chùa. Thế kỷ XIX, XX chùa Trăm gian được trùng tu lớn. Chùa Trăm Gian có kiến trúc chữ Đinh, gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo, quy mô lớn, đặc biệt là gác chuông. Gác chuông có diện tích 128 mét vuông, treo quả chuông lớn được đúc vào năm Thành Thái thứ II (1890), đây là quả chuông hiếm có của tỉnh Hải Dương. Gác chuông gồm 5 gian, trong đó ba gian giữa có kiến trúc chồng diêm, dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói mũi cổ, tường xây bằng gạch Bát Tràng.  Hai đầu hồi kiến trúc theo kiểu bít đốc tạo dáng quai chảo, trên bờ nóc có phù điêu rồng ngoảnh mặt nhìn mặt nguyệt của mái trên, được đắp bằng vôi, giấy, gắn sành sứ Bộ mái của phần chồng diêm là hai vì kèo, cột đặt trên xà thượng của công trình phía dưới. Phía trên mái chồng diêm có 4 đầu đao với phù điêu rồng chầu, phượng mớm, các con chối, con số lạc long được đắp bằng vôi và giấy bản. Hệ thống bờ nóc, bờ chầy mềm mại, cải hoa chanh. Tiền đường gồm 7 gian, kết cấu các vì kéo theo kiểu chồng rường, đấu sen. Các chi tiết như cột cái, cột quân, bẩy hiên, xà nách, các con thuận, câu đầu, trụ, con vành, đấu gòi được chế tạo rất công phu. Các xà thượng, xà hạ, hoành, rui đều được soi chỉ. Kết cấu hệ thống giằng ngang và giằng dọc hợp lý, chặt chẽ. Trong tiền đường có một số bức chạm hoa lá “long quần”, chạm khắc rất tinh vi. Phần ngõa cũng được tạo dựng khá chắc chắn, tường, móng xây dựng bằng gạch Bát Tràng đe lộ bắt mạch, mái lợp ngói mũi cổ, kỹ thuật lợp phẳng. Công trình thượng điện có kích thước lớn 11 m x 7m, bên trái là 7 gian thờ Mẫu, bên phải là hai nhà khách nối liền nhau như một hành lang. Phía sau chùa là một vườn tháp gồm 10 ngôi, trong đó có 9 ngôi được xây dựng vào thời Nguyễn, một ngôi được xây dựng năm 2003.

Đầu thế kỷ XX, chùa Trăm gian còn đủ 100 gian, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện nay chùa chỉ còn 85 gian. Chùa còn lưu giữ hệ thống cổ vật phong phú gồm 57 pho tượng Phật có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, trong đó có tượng Trúc Lâm tam tổ, 12 bức đại tự, 12 đôi câu đối các loại, 738 bản khắc kinh Phật trên gỗ, 7 bia đá có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, nhiều cổ vật có chất liệu gỗ, gốm, đồng và khá nhiều đồ tế tự mới.

Điểm nhấn đặc biệt nữa ở chùa Trăm Gian là lầu thủy đình. Lầu thủy đình có kiến trúc độc đáo như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt ao, được xây dựng trên diện tích 50 mét vuông, do gia đình bà Nguyễn Thị Đạt ở thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách cung tiến. Công trình được xây dựng với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, cột trụ hình tròn tượng trưng cho dương. Tám mái lợp ngói ta, tám đầu đao cong đắp hình rồng. Nóc lầu hình bầu rượu. Trong lầu, tượng đức Phật Quan Âm cao 2,36m, nặng 6,6 tấn tọa trên đài sen, chất liệu đá cẩm thạch hồng nguyên khối. Từ sân chùa ra lầu thủy đình được nối bởi cây cầu dài 13,5m, rộng 3m, hai bên tường đắp phù điêu hình hoa sen và có 9 bậc thang. Lầu được xây dựng năm 2017, tạo thêm điểm nhấn cho chùa, khiến cho chùa Trăm Gian càng thêm ấn tượng, độc đáo.

Tương truyền, thời nhà Trần, tướng Nguyễn Huy Tĩnh đã đóng quân ở đây để luyện tập võ nghệ, binh pháp cho quân lính, chuẩn bị cho trận chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Vào thời kỳ chống Pháp, chùa là cơ sở của bộ đội địa phương. Thời chống Mỹ, chùa là cơ sở quân y hậu cần Quân khu 3. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, chùa Trăm Gian đã gắn bó thân thiết với người dân An Bình, là nơi sinh hoạt tâm linh không thể thiếu, nơi gửi gắm bao ước nguyện. Hằng năm, vào các ngày từ 11 – 13/9 âm lịch, chùa tổ chức lễ hội, thu hút không chỉ người dân ở địa phương sinh sống trong làng, làm ăn xa quê mà còn nhiều phật tử, khách thập phương về chiêm bái. 

Tin Cùng Chuyên Mục