CHÙA SÙNG KHÁNH

Chùa Sùng Khánh tọa lạc trên đỉnh của một ngọn đồi ở bên bờ phải dòng sông Lô thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyện, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm Thành phố Hà Giang 9 km. Nơi đây với công trình kiến trúc xưa, lâu đời đơn giản nhưng lại mang đến cho du khách những cảm nhận tuyệt vời và khám phá nét văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ tấm bia đá đã được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Chùa Sùng Khánh được xây dựng năm 1356. Người có công lao to lớn đã gây dựng và để lại cho muôn đời sau một di sản văn hóa vô cùng quý báu đó chính là một vị tướng thời vua Trần Dụ Tông, đời vua thứ 7 của nhà Trần, trị vì từ năm 1341 đến 1369. Chùa Sùng Khánh đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993.
Chùa Sùng Khánh được dựng trên ngọn Núi Nùng. Núi nhỏ nhưng cao, phải qua đến gần 100 bậc thang mới lên được đến lưng chừng để chạm chân tới cổng chùa Sùng Khánh. Trên lưng chừng núi, cổng chùa hiện ra không uẩn tịch mịch như chùa dưới xuôi. Nó chỉ giản đơn là hai cái cột lớn ghi câu đối, tạm dịch: Sơn thủy thanh cao xuân bất tận/Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.
Xưa đây chính là công trình thời Phật quý hiếm từ đời nhà Trần trên miền Thượng du, được làm từ gỗ, mái lợp lá nhưng đã bị đổ nát và ngày nay ngôi chùa được chính người dân xây dựng lại từ năm 1989 với kiến trúc đơn giản, và được xây dựng theo hình chữ Nhất và đặc biệt ngôi chùa chỉ có một gian chánh điện với diện tích 26m2, cao 4.3 với một cửa chính và hai cửa phụ ở hai bên, vách gạch, lợp ngói có tường bao quanh.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa nhiều lần bị đổ nát, tượng Phật và đồ thờ tự bị mai một. Duy 2 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng còn trường tồn với thời gian, trong đó đáng chú ý nhất là bảo vật quốc gia – tấm bia dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông vào năm 1367.
Theo các nhà nghiên cứu: Bia chùa Sùng Khánh được dựng vào năm 1367, sau khi xây dựng chùa Sùng Khánh 11 năm. Bia được đặt trên một con rùa đá, điểm độc đáo là trán bia được bao bọc trong băng trang trí hình cánh cung và được chia làm 3 ô: Ô chính giữa khắc hình Phật bà A Di Đà ngự trên tòa sen hai tầng cánh, mỗi bên có một đệ tử đứng chầu tay chắp trước ngực; hai ô đối xứng bên cạnh khắc hai con rồng đang bay, đầu nghển cao hướng tới tòa sen. Trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt chưa từng thấy trên một tấm bia nào khác ở nước ta.

Tấm bia có một giá trị lớn, về mặt văn bản nó có thể xem là một tài liệu gốc dùng để so sánh đối chiếu một số dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Hơn nữa, ở tấm bia chùa Sùng Khánh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số chữ Nôm khắc trên bia góp phần bổ sung thêm tài liệu cho việc tìm hiểu chữ Nôm thời Trần…
Bài văn bia có đầu đề “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự ” (bài minh và bài tự chùa Sùng Khánh). Cả bia có 18 dòng chữ Hán gồm 436 chữ; mặt sau bia có 2 hàng gồm 65 chữ, là một văn bản gốc có nhiều ý nghĩa và một số chữ Nôm là danh từ riêng. Một Phụ đạo họ Nguyễn – dòng dõi quản lĩnh vùng này – cũng là người chủ xướng lập chùa Sùng Khánh (1356) và bia này lập do vị Phụ đạo kế tiếp 11 năm sau (1367). Văn bia góp thêm cho chúng ta tư liệu về chế độ nô tì, về sử dụng đất tư ở thời Trần. Tác giả văn bia, một vị quan tên là Tạ Thúc Ngao hiệu Sở Khanh, soạn nhân dịp kinh lý tới vùng này, đúng vào năm ở phương Bắc triều đại nhà Nguyên đang sụp đổ. Hẳn rằng lần kinh lý này của Tạ Thúc Ngao là để thực hiện ý đồ của vương triều Trần trong việc củng cố biên cương đất nước, từ chùa Phúc Khánh đến vùng quan ải chỉ già nửa ngày đi ngựa. Theo Cục Di sản văn hóa, bia “Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự” cao 90cm, rộng 47cm, dày 11cm, đặt trên thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại. Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo, nét chữ chân phương, mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Trần. Nét chữ khắc sâu, còn rất rõ và không có dấu hiệu nào chứng tỏ bia bị khắc lại ở thời gian sau.

Văn bia cho biết ngôi chùa Sùng Khánh do Chú Phụ Đạo họ Nguyễn, tên Ổn, tự là Vãn Giác sáng lập ra. Chùa dựng từ tháng giêng đến tháng 4 năm Thiệu Phong (Bính Thân 1356) thì xong. Bia còn cho biết ngôi chùa này dưới thời Trần thuộc Hương Hoằng Nông, Giang Thông, Trường Phú Lịnh. Mặt sau bia để trơn không trang trí hoa văn, chỉ mài qua khắc hai hàng gồm 65 chữ chữ Hán ghi công những người cúng thí người nô ruộng và trâu cho chùa. Bia đá chùa Sùng Khánh là hiện vật gốc độc bản còn tương đối nguyên vẹn, được dùng để so sánh đối chiếu một số tự dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Tấm bia không chỉ khẳng định sự ra đời của một ngôi chùa thờ Phật ở vùng biên cương hẻo lánh mà còn có một sử liệu quan trọng là việc dòng họ Nguyễn thế tập làm phụ đạo quản trị ở đây ràng buộc với ngôi chùa.

Với những giá trị nêu trên, Bia đá Chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013.
Chùa Sùng Khánh còn có quả chuông đồng tạo năm 1705 (đời vua Lê Dụ Tông). Chuông cao 0,9m, đường kính miệng rộng 0,67m. Đặc biệt là ở 4 múi chuông, mỗi múi có 2 phù điêu hình người đắp nổi (cao 10cm bố trí ở góc các múi) để bảo vệ và trấn 8 hướng.

Sau năm 1954, do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh khốc liệt, chùa Sùng Khánh không được chăm nom bảo vệ thường xuyên và ít lâu sau đã bị đổ sập. Đến năm 1989 ngôi chùa một lần nữa lại được xây dựng lại.

Từ năm 1994, lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng) truyền thống của người Tày Hà Giang được phục hồi. Lễ hội diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, được tổ chức tại thửa ruộng trước cửa chùa Sùng Khánh. Vào ngày này bà con nhân dân trong thôn xã và các vùng lân cận nô nức quy tụ về đây. Vẫn theo lệ từ xưa, phần lễ đầu tiên là cúng tạ các thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng bình yên no ấm, rồi tiếp tục lên chùa lễ Phật.
Chùa Sùng Khánh thấm thoắt đã tồn tại gần 7 thế kỷ, nằm kín đáo gần nơi quan san biên ải nhưng sở hữu bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật quốc gia đều mang trong mình một câu chuyện dầy dặn nhiều tầng bậc của quá khứ.

Tin Cùng Chuyên Mục