CHÙA LƯỠNG XUYÊN

Chùa Lưỡng Xuyên, tọa lạc tại Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh là một ngôi cổ tự nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa Trà Vinh. Vào thập niên 1930, nơi đây là trung tâm Chấn hưng Phật giáo Nam kỳ, với sự hình thành và hoạt động hiệu quả của “ Lưỡng Xuyên Phật học hội” và “ Lưỡng Xuyên Phật học đường” do các danh tăng Thích Huệ Quang, Thích Khánh Anh,Thích Khánh Hòa đề xướng và lãnh đạo. Chính “ Lưỡng Xuyên Phật học đường” đã đào tạo hàng loạt tăng tài cho Phật giáo Việt Nam như các hòa thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa… góp phần lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam qua những giai đoạn thác ghềnh, theo đúng phương châm đạo pháp và dân tộc… Ngày nay, Chùa Lưỡng Xuyên được chọn làm Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, từ năm 2003 được trùng tu, tôn tạo cho xứng với tầm vóc lịch sử của một ngôi cổ tự từng là trung tâm Phật giáo Nam kỳ.

Chùa được dựng vào thế kỷ XIX. Năm 1934, Hòa thượng Khánh Hòa trùng tu chùa, đặt tên là chùa Long Phước. Năm 1987, thầy Minh Hà trụ trì đã đổi tên là chùa Lưỡng Xuyên (ý chỉ hai con sông: Tiền Giang, Hậu Giang). Năm 1934, tại chùa đã đánh dấu sự ra đời của hội Phật học Lưỡng Xuyên, xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật học và mở Phật học đường Lưỡng Xuyên do các Thiền sư Khánh Hòa, Khánh Anh và Huệ Quang phụ trách, dày công trong phong trào Chấn hưng Phật giáo và đào tạo tăng tài nửa đầu thế kỷ XX ở miền Nam.

Ngôi chùa lịch sử đã được tái thiết vào năm 2000. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca bằng cẩm thạch. Bàn trước, thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn.

Chùa Lưỡng Xuyên trở thành Tổ đình thờ ba vị cao tăng Huệ Quang, Khánh Hoà, Khánh Anh. Cùng được phối tự tại đây còn có các vị hoà thượng: Pháp Hải, Thiện Hoa, Thiện Hoà, Thái Không. Chùa còn là nơi đặt trụ sở của Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh và trường Trung cấp Phật học Trà Vinh. Chùa đã được nhiều lần trùng tu mở rộng. Khuôn viên chùa Lưỡng Xuyên được xem là một “công viên Phật giáo” ngay giữa lòng thị xã Trà Vinh, với tượng Phật tổ bằng đá hoa cương cao hơn 3 m, nặng 7 tấn uy nghi trên chánh điện. Hằng năm, chùa tổ chức lễ lớn vào ngày Phật đản 14 tháng Tư âm lịch. Các nghi lễ gồm có: nghi lễ Nam tông, Bắc tông, thả bong bóng, bồ câu cầu hoà bình.

Ngày nay, chùa là một tòa phạm vũ khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu học của Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh, và là điểm du lịch tiếp đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.

 

Tin Cùng Chuyên Mục