CHÙA LONG QUANG (LONG QUANG CỔ TỰ)

Chùa Long Quang còn gọi là Long Quang cổ tự tọa lạc tại số 155/6 khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám Từ Sân bay Trà Nóc về trung tâm TP. Cần Thơ, rẽ vào tỉnh lộ, đi khoảng gần 10 km, qua nhiều cây cầu nhỏ bắc qua kênh rạch, du khách sẽ tới chùa Long Quang. Long Quan Cổ tự là một công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo độc đáo đã tồn tại gần 200 năm. Chùa vừa là nơi tu hành, vừa bốc thuốc chữa bệnh và dạy chữ cho người dân, chùa còn là nơi cưu mang, nuôi chứa của rất nhiều chiến sỹ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ.

CHÙA LONG QUANG

Người đăng: Chùa Việt vào Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Chùa do Thiền sư Thiện Quyền thành lập vào năm Minh Mạng thứ 5 ( Giáp Thân, 1824). Từ đó đến nay chùa đã nhiều lần đổi tên, đổi phiên hiệu đơn vị hành chính quản lý, mãi đến năm 1966 cho đến nay mang tên Long Quang cổ tự. Ban đầu chùa theo phái Thiền Tông Lâm Tế Trung Hoa nhưng hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyển thành hệ phái Bắc Tông.

Chùa có diện tích gần 12.000 mét vuông, nằm cạnh con sông Bình Thủy hiền hòa. Nhìn từ ngoài mặt tiền chùa khoảng 50 mét được xây hàng rào bằng song sắt, bên trái là cổng tam quan bề thế với hai tầng mái ngói, đầu mái uốn cong có gắn hoa văn và bánh xe pháp luân.

Hai cột cổng chính được trang trí bằng câu đối viết bằng chữ Hán được dịch nghĩa:

“Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chánh giáo

Quang minh chiếu tam giới, thiền lâm quãng nhuận chân truyền”

Trên sân chùa, có một hồ nổi nhỏ trồng sen và nhà thủy tạ với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đài sen. Xung quanh vách hồ gắn những cách hoa sen cách điệu. Phía trước cửa chùa dựng một bia lưu niệm ghi tóm tắt nội dung công nhận chùa là di tích lịch sử-văn hóa và ngày trùng tu lại ngôi chánh điện. Phía bên phải sân, dựng tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 2 mét. Trung tâm là chánh điện, bên trong là điện thờ chính được làm bằng gỗ có hai bậc; bậc trên thờ tam thế Phật: A Di Đà Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng bằng gỗ cao hơn 1m theo tư thế ngồi. Bậc dưới thờ Phật Di Lặc.

Giữa điện thờ chính có treo bức hoành phi cũng làm bằng gỗ chạm bốn chữ Hán “Đại hùng bảo điện”, phía bên dưới gắn khung bao lam chạm trổ hoa văn, hai bên gắn hai câu liễu đối cũng bằng chữ Hán. Ở phía trước bậc cao là tượng Phật Thích Ca bằng gỗ dài 1m. Đối diện thờ chính là bàn thờ Vi Đà Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Tiêu). Sát vách bên phải, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán, kế tiếp là bàn thờ Địa Tạng Bồ Tát, phía sau là bàn thờ Ngọc Hoàng Đại đế, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Sát vách bên trái, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán đối diện với 9 tượng bên phải, kế tiếp là bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên có Thiên Tài và Đồng Tử. Phía sau điện thờ chính là bàn thờ Hậu Tổ. Phía trên là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề, bên dưới có tượng Bồ Đề Đạt Ma. Chung quanh bày trí các long vị, các bức di ảnh của các cố trụ trì chùa. Sát vách hai bên cửa có đặt hai bàn thờ, bên phải thờ các tượng Quan Công, Giám Trai…, bên trái thờ các tượng Diêm Vương, Long Vương và Phán quan…

Điểm đặc biệt nổi bật nhất ở chánh điện là nhóm tượng Thập Bát La Hán, mỗi tượng cao 80cm. Hệ thống tượng La Hán của chùa Long Quang được thể hiện theo phong cách Thiền tông Trung Hoa; các vị La Hán được tạc ở hình thái không mặc áo cà sa hay đắp y cầm bát mà mặc áo tràng, trên tay mỗi vị đều cầm một bảo bối khác nhau, tượng trưng cho phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả; có tư thế ngồi khác nhau trông rất sinh động, được làm từ gỗ căm xe nguyên khối, điêu khắc rất tinh xảo. Phía sau toà nhà Chánh điện là Khu Tháp khá rộng trồng nhiều hoa kiểng và là nơi chứa di cốt của các cố trụ trì đã qua đời. Khu Tháp có nhiều con đường nhỏ tráng xi măng xẻ dọc ngang, có những ngôi nhà mát hình tròn, hình lụt giác rải rát trong khu vườn, làm chổ dừng chân cho bà con phật tử, cho khách thập phương đến vãng cảnh chùa. Tạo nên một không gian yên tịnh, thoáng mát, an lành.

Hàng năm, Chùa tổ chức 3 kỳ lễ hội lớn: cúng Thượng Ngươn (tháng giêng), cúng Trung Ngươn (tháng 7), cúng Hạ Ngươn (tháng 10); cúng Phật Đản sanh vào tháng 4.

Trải qua gần 200 năm lịch sử thăng trầm, chùa không chỉ là nơi lưu giữ, nhiều bảo vật quý hiếm mà còn là chứng nhân lịch sử khi là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong thời kỳ chống Mỹ và chống Pháp. Ngôi chùa đã được công nhận di tích Lịch sử – Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2013. Đặc biệt hơn cả là năm 2017, chùa Long Quang được Hội Di sản văn hóa Việt Nam công nhận Danh hiệu “Di sản văn hóa tâm linh Việt”.

 

 

Tin Cùng Chuyên Mục