CHÙA LINH ỨNG

Chùa Linh Ứng toạ lạc ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nguyên đất chùa là một cồn đất nổi do biển phù sa bồi đắp tính đến nay đã trên 100 năm lịch sử. Khu đất chùa nổi lên một cồn cát rất cao, những người dân cư các nơi đến đây khai đê lấn biển, khai khẩn đất đai. Vào một đêm mưa to gió lớn có người nằm mơ thấy Đức Quan Âm giáng xuống thắp 3 nán nhang ở nơi đây. Sáng hôm sau, mọi người ra bãi đất đó lập nên một ngôi miếu thờ (năm 1920). 

Năm 1936, Hoà thượng Thích Thanh Quảng ( quê ở xã Hải Châu, đi xuất gia tu hành ở tỉnh Thái Bình) về đến nơi đây, Người thấy, bên cạnh dòng sông Ninh Cơ có ngôi miếu thiêng liền thỉnh Phật về thờ mà cải miếu thành chùa, đặt tên hiệu là chùa Linh Ứng ( Linh có nghĩa là linh thiêng, ứng là ứng hiện).Hoà thượng trụ trì được đến ngày 10 tháng 5 năm 1955 thì viên tịch. Năm 1956 sư cụ Thích Đàm Khôi ở chùa Cát Thượng xã Hải Anh tới khêu đèn thắp nhang tụng kinh niệm phật, nối tiếp đến ngày 24 tháng 8 năm mậu thân 1968 cụ viên tịch.

Thượng toạ Thích Chính Liên (tục tích Trần Thanh Tuệ) là người xã Hải Anh huyện Hải Hậu đến chùa Cồn tu từ năm 13 tuổi, làm đệ tử của Hoà thượng Thích Tâm Thi ( Thầy Tuệ Tạng Luật sư Bắc Trung Nam). Năm 1968, thượng toạ từ chùa Cồn ra chùa Linh Ứng nhập cảnh ( nhằm ngày 19 tháng 11 năm Mậu Thân). Tình cờ nhân duyên hạnh ngộ, có một thiếu nữ tên Lê Thị Hồng 13 tuổi, người ở Thành phố Hải Dương mồ côi cha mẹ, lang thang phiêu bạt tới xin làm đệ tử của Thượng toạ, xuất gia đầu Phật. Thượng toạ vui mừng nói: “Trước đây một tháng, ta nằm mộng thấy trên trời có vầng hào quang, có bông hoa hồng với dòng chữ: Thị thế kim tu, hiện tại nhất Thiên thân; nghĩa là con là người thiếu nữ con Trời, giáng sinh xuống trần thế tu tại nơi đây.”, chắc hẳn con tên là Hồng ứng với điềm mộng của ta”. Thượng toạ mừng rỡ thế phát cho thiếu nữ xuất gia, lấy pháp danh là Thích Đàm Bích, mà nói rằng: Sau 30 năm đất này sẽ phát con ạ!. Khi bấy giờ, khu vực đất chùa là bãi hoang vu, tứ bề sông nước, Thầy trò tương cháo nuôi nhau, sớm hôm tụng kinh, niệm Phật. Lại gặp phải cảnh bom rơi, đạn lạc, đại bác máy bay oanh tạc của Đế Quốc Mỹ.
           “Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm biết bay.
           Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên, xuyên qua tầng đất dầy để thành cây cứng cáp.
           Con tằm nào được người ta cắt vỏ kén chui ra mãi bò quẩn quanh cái kén mà không bao giờ thành loài bướm biết bay.
           Hạt giống nằm trên mặt đất dễ dàng nảy mầm nhưng sẽ bị bật gốc khi gặp cơn giông tố.”
Quả vậy, địa linh sinh nhân kiệt, khả năng chịu đựng và bản lĩnh ý chí vượt qua thử thách, khó khăn. Cũng thế, Ni Sư Thích Đàm Bích vốn đã sẵn có duyên lành, phát chí xuất trần từ thuở nhỏ, chốn Không Môn tìm Đạo xuất gia, nêu cao chí cả, nhẹ bước vân du trên đường giải thoát, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham ái, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần. Người đã thiết tha cầu đạo, ngưỡng mong Thượng thừa Phật đạo, hạ hoá quần sinh, phát lời thệ nguyện: Ta ở nơi khó khăn nhất, hoằng dương Phật pháp, tiếp dắt chúng sinh vào đạo, cứu khổ độ mê.
Nơi địa linh này lại tiếp tục nảy mầm, năm 1982, có một thiếu niên tên là Chu Văn Quảng, quê ở xã Trực Thắng huyện Trực Ninh đến xin được đầu Phật xuất gia hầu Thượng toạ. Thượng tọa mừng rỡ thế phát và đặt pháp danh là Thích Thanh Huỳnh. Thầy trò, huynh đệ đang buổi sum họp êm ấm thì … 11h đêm ngày 13 tháng 3 năm Canh Ngọ – 1990, thượng toạ Thích Chính Liên –  Sư phụ của Người gọi các đệ tử đến căn dặn: Các con phải biết đoàn kết, sống, tu hành đúng với tinh thần lục hoà của Đạo Phật hầu mong mang lại lợi ích cho tự thân và tha nhân, Hoằng dương Phật pháp, nhiếp hoá chúng sinh…;  và bảo: Các con ơi, các con niệm Phật đi, Thầy đi đây. Dứt lời, Thượng toạ cùng các đệ tử niệm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật, đến câu Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài từ từ nhắm mắt bỏ báo thân nhẹ nhàng, hoá thân về cõi Niết Bàn, Sa bà báo mãn, Tịnh độ viên thành. 
Nhớ lời di huấn của người Thầy trước khi Ngài từ bỏ báo thân, đáp ứng lòng khát ngưỡng đạo pháp và ân cần kiền thỉnh của Phật tử chùa Hải Vân ( xã Hải Ninh ), chùa Phúc Sơn ( xã Hải Trung ), yên lòng vì chốn Tổ đã có Ni Sư sớm hôm phụng sự, chăm lo truyền thừa Phật pháp, Đại Đức Thích Thanh Huỳnh liền ra đi tới nơi chúng sinh cần, không những dìu dắt lớp lớp Tăng Ni, nhiếp hoá Phật tử trong toàn huyện mà còn hoá độ cho Phật tử thập phương xa gần. Hiện nay Đại Đức là Trưởng ban Phật giáo huyện Hải Hậu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định.         
Bằng Giới đức trang nghiêm, bao năm chầy tháng quyết chí học hành, Đạo hạnh song toàn, Đạo tâm trác thế, trí tuệ cao siêu, Ni Sư một lòng lo chu toàn sự nghiệp kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, ngõ hầu báo ơn Thầy Tổ trong muôn một. Người luôn nỗ lực trong mọi công việc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đứng vững bằng đôi chân của chính mình.
Đến năm 1998, vừa tròn 30 năm, đúng như lời di huấn của Thượng toạ, được sự cho phép của Giáo hội Phật giáo và các cấp chính quyền, cùng sự giúp đỡ, đóng góp của Chư Thiện nam, Tín nữ thập phương xây dựng lại ngôi Tam bảo chùa Linh Ứng. Với tâm thành của Ni Sư nên đạo giao được cảm ứng, được Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương gia hộ, Ni Sư đạt được ý nguyện hoàn tất ngôi Tam bảo vào năm 2001. Duyên lành lại đến với Thầy và trò chùa Linh Ứng chúng con, ngày 15 tháng 4 năm Tân Tỵ 2001, Hoà Thượng Thích Huyền Diệu trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại xứ Phật nước Ấn Độ hạ cố quang lâm ban phát kim ngôn pháp nhũ cho toàn thể Phật tử và nhân dân thập phương xa gần.
Đến năm 2004, Ni Sư xây dựng hoàn tất ngôi Tổ đường, Tăng phòng và vinh dự được Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định chọn làm Trường Hạ Cơ sở III – nơi Chư Tăng Ni 3 huyện Xuân Trường – Giao Thuỷ – Hải Hậu vân tập về Kết hạ An cư, hành đạo lễ bái trong 3 tháng hạ. Vào ngày 24 tháng 6 năm Giáp Thân 2004, Hoà thượng Thích Trí Quảng – Truởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về thăm Trường Hạ, điềm lành ứng hiện, đúng 12h trưa, trên trời xuất hiện vầng hào quang ngũ sắc với hình Rồng cuộn, 3 tiếng sau mới ẩn.
Không chỉ tiếp dắt, súc dưỡng đệ tử xuất gia, với bản nguyện độ sinh bao la, hàng tháng Ni Sư tổ chức khoá tu Bát Quan trai, nhằm tạo điều kiện cho Phật tử tại gia được tu tập với định hướng xây dựng Tổ đình Linh Ứng làm cở sở chuyên tu, hoằng dương Phật pháp giữa xứ đạo Công giáo ( thị trấn Thịnh Long có 8 ngôi nhà thờ, đặc biệt có một ngôi chùa Linh Ứng). Trong những năm gần đây, khi cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, mỗi năm một lần, Ni Sư cùng với giáo hữu tín đồ Phật tử, chính quyền điạ phương cung thỉnh Hoà thượng Thích Trí Quảng, Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm và Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về trao y Pháp Hoa và mở khoá tu Bát Quan trai giảng pháp cho Đạo tràng Pháp Hoa cùng toàn thể Quý Phật Tử và nhân dân thập phương xa gần. Tấm lòng nhiệt thành vì đạo của của Ni Sư, trong nhiều năm liền, chùa Linh Ứng đạt danh hiệu Chùa Tinh tiến, không ngừng tiến tu trên con đường Phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh, làm tốt Đạo đẹp đời.
Ni Sư là hiện thân của giới luật, là sức sống miên viễn của Phật Pháp, là thạch trụ chốn Tùng lâm. Đúng với tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật, từ bi, hỷ xả, nhiếp hoá mọi người. Mỗi lời nói của Người là những âm ba giải thoát xoa dịu lòng người, mỗi cử chỉ, mỗi bước đi của Người là dấu chân của Đạo pháp xuôi dòng bản thể, thuận lý chân như. Trong Người luôn nuôi dưỡng tình thương yêu và giúp đỡ các cháu mồ côi, những người già cô đơn không nơi nương tựa. Tháng 10 năm 2006, ước mơ của Ni Sư đã trở thành hiện thực. Người xin phép các cấp chính Quyền và mở nhà từ thiện, thực sự đưa vào hoạt động nuôi dưỡng 20 trường hợp cụ già cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Không dừng lại ở đó, trong những lần viễn hành đi ra ngoài, mở rộng tầm nhìn thế giới, Ni Sư đã cảm nhận được sự phát triển đi lên của đất nước trong phong trào hội nhập kinh tế thế giới. Người xác định, vấn đề học tập trau giồi ngoại ngữ cho lớp trẻ cần được quan tâm thiết thực hơn nữa, với mong muốn giúp các cháu vượt ra khỏi cảnh nghèo. Vì thế, Ni Sư đã mở lớp học từ thiện Tiếng Anh cho 150 cháu ( chia làm 2 lớp học vào buổi sáng và chiều Chủ Nhật) nhờ các thầy cô giáo Trường Trung học Phổ thông Thịnh Long vào phụ trách giảng dạy.
Để khuyến khích, động viên, an ủi các cháu có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, hàng năm, vào các buổi lễ sơ, tổng kết học kỳ mặc cho Phật sự đa đoan, Ni Sư không vì thế mà quên đi việc dành cho các cháu những phần thưởng khích lệ.
 Với những thành quả ấy, Ni Sư đã được:
      – UBTWMTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
      – Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam.
      – BCHTW Hội khuyến học Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì Sự nghiệp khuyến học Việt Nam.
Không chỉ có thế, Ni Sư luôn luôn mong muốn được làm việc từ thiện nhiều hơn nữa để góp phần cùng xã hội chia sẻ một phần khó khăn với mọi nhân sinh. Ni Sư đã đề nghị với Hội Chữ thập đỏ xin thành lập Hội  tán trợ Chữ thập đỏ chùa Linh Ứng. Và thực tế đã được Hội Chữ thập đỏ Tỉnh Nam Định – Hội Chữ thập đỏ Huyện hải Hậu ra quyết định cho phép theo thông tư số: 14- QĐ/CTĐ ( ngày 26 tháng 6 năm 2007) do Ni Sư làm Chủ tịch. Chữ “Tán trợ” với đầy đủ ý nghĩa là ban phát và cứu trợ, với nguyện vọng lớn lao: cùng với xã hội chia sẻ một phần gánh nặng, xoá đói giảm nghèo, cứu trợ cho nhiều người khó khăn cơ nhỡ. Kính mong các nhà hảo tâm trợ duyên, giúp đỡ để Ni Sư được hoàn thành ý nguyện đó.
Dùng Giới luật của Đức Phật để trang nghiêm pháp thân, lấy hạnh của Bồ Tát tu cho hạnh của mình, Ni Sư không chỉ tu cho riêng mình mà luôn lo lắng cho tha nhân, lo lắng cho sự trường tồn của ngôi nhà Phật pháp tại thế gian. Tháng 2 năm 2007, Ni Sư, mua 3 thổ cư ở phía Tây chùa với diện tích 2500m2, trị giá số tiền tương đương 120 cây vàng, nhằm mở rộng khuôn viên chùa và làm nhà từ thiện sang khu vực đó. Cả cuộc đời tu hành của mình, Ni Sư chỉ một lòng chăm lo cho mọi người, vì thế những ai đủ thiện duyên mỗi lần diện kiến Ni Sư đều nhuần ân giải thoát, tiến tu đạo nghiệp. Người phát đại nguyện: năm 2008 sẽ hạ móng xây dựng ngôi Bảo tháp 9 tầng, cao 49m  hầu báo ân Chư Phật, Chư Tổ, Chư Bồ Tát mười phương, Chư Hộ pháp Thiện thần đã thuỳ từ gia hộ cho Người. Ngôi Bảo tháp được đưa vào dự án với kinh phí rất lớn. Đồng thời, Ni Sư tiếp tục mở dự án 10.000 m2 ( mười nghìn m2 ) đất thuộc khu vực trước chùa Linh ứng, mở trường dạy nghề, xây dựng nhà nuôi trẻ mồ côi, những người già cả cô đơn không nơi nương tựa, dạy học từ thiện khám bệnh từ thiện nhằm chung sức với xã hội cứu vớt những mảnh đời bất hạnh neo đơn.  Vì thế kính mong các Mạnh thường quân, Phật tử và nhân dân thập phương xa gần,trong và ngoài nước chung tay góp sức cùng với Ni Sư để đại nguyện sớm được hoàn thành, gửi lại kỷ vật cho muôn đời, thực sự “Sống là cho mà thác cũng là cho “.

Tin Cùng Chuyên Mục