CHÙA GIÁM

Chùa Giám có tên chữ là Nghiêm Quang tự tọa lạc tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa do Đại đức Thích Thanh Lương trụ trì. Chùa Giám được khởi dựng vào thời Lý, cuối thế kỷ 17. Đến đầu thế kỷ 18 được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Chùa Giám được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1974, đến năm 2017 được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài thờ Phật, chùa Giám còn là nơi phụng thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, vị Thánh tổ thuốc Nam thời Trần. Chùa Giám hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như hai chuông đồng đúc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 23 (1762) và Thiệu Trị năm thứ 8 (1848), 16 bia đá có niên đại từ thế kỷ 17 – 19 ghi chép về việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, đúc tượng Phật chùa Giám và đặc biệt là bảo vật quốc gia Cửu phẩm liên hoa. 

Chùa Giám tên chữ là “Nghiêm Quang Tự”. Căn cứ vào 2 tấm bia kí Chính Hòa năm 17 ” Bính Tý niên 1696″, Chính Hòa thứ 22 ” Tân Tỵ niên 1701″. Chùa Giám Cẩm Sơn trước đây thuộc tổng An Trang, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Xã Cẩm Sơn trước đây thuộc huyện Lương Tài, Bắc Ninh, đến năm 1897 thời Pháp thuộc thay đổi địa giới hành chính chuyển về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, do đó có khắc chữ ở quả chuông đồng và cột chùa ghi là An Trang xã, Lương Tài huyện, Bắc Ninh.

Chùa Giám là nơi thờ, tưởng niệm vị Thánh thuốc Nam – Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Chùa được xây dựng từ thời Lý và được Tuệ Tĩnh trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ 14. Đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Chùa được xếp hạng di tích quốc gia năm 1974.

Tòa Cửu phẩm được sơn son thiếp vàng với những nét hoa văn có giá trị thẩm mĩ cao. Tòa Cửu phẩm được đặt trên ngõng đá tựa ổ bi. Vào ngày lễ Phật mọi người đẩy cây cửu phẩm quay một cách nhẹ nhàng. Trên các tầng hoa sen có 144 pho tượng ở 54 lần cánh sen, tầng trên cùng có tượng A di đà. Cửu phẩm niên hoa còn được lưu giữ nguyên bản kiến trúc cổ và là một trong ba tòa Cửu phẩm (chùa Bút Tháp – Bắc Ninh, chùa Động Ngọ Thanh Hà – Hải Dương) có giá trị đặc biệt về nghệ thuật điêu khắc và trang trí ở nước ta. Năm 2016, tòa cửu phẩm liên hoa của chùa Giám được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo quan niệm của Phật giáo, cứ quay một vòng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm mau đạt tới chính quả.

Cửu phẩm liên hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Sự hiện diện của các tòa tháp Cửu phẩm liên hoa ở Việt Nam một lần nữa khẳng định nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao ở nước ta vào cuối thế kỷ 17, 18.

Năm 1974, do điều kiện khách quan bởi lũ lụt và việc sáp nhập địa giới hành chính, chủ trương di chuyển chùa Giám từ ven sông Thái Bình đến địa điểm hiện tại được người dân Cẩm Sơn và chính quyền đặt ra. Theo người dân Cẩm Sơn kể lại, lúc bấy giờ, thanh niên trai tráng đã vào bộ đội gần hết, ở nhà chỉ còn phụ nữ và người già nhưng tất cả đều nhất trí cao sẽ tập trung mọi nguồn lực để di chuyển cả quần thể chùa gồm nhà tiền đường, tòa nhà Cửu phẩm chứa Tháp liên hoa và nghè Giám. Chính quyền và người dân Cẩm Sơn thành lập ban chỉ đạo và một đội lo việc chuyển chùa.

Đúng ngày 15.7.1974 âm lịch, công cuộc chuyển chùa chính thức được bắt đầu với phương tiện chủ lực là “xe bò” và sức người. Khi đó, mọi nhà ở Cẩm Sơn có vật dụng như dây buộc, bao gai, lá chuối khô, đòn khiêng… đều được huy động. Người dân từ già trẻ, gái trai đến giúp chuyển chùa đông như trảy hội. Dù ngày mưa hay nắng, công việc di chuyển vẫn không hề ngừng nghỉ kéo dài trong 7 tháng với khoảng cách 7 km giữa 2 địa điểm. Đúng 7 tháng sau, ngày 15.2.1975 âm lịch, công cuộc di chuyển chùa hoàn thành với hơn 7.000 ngày công đóng góp của nhân dân và hơn 500 chuyến xe bò chuyên chở. Ngôi chùa vẫn vẹn nguyên, những kèo, cột, đấu, mộng… bằng gỗ khớp nối với nhau như ngày ở chốn cũ.

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo Chùa Giám hiện nay đã ngày một khang trang tố hảo đáp ứng nhu cầu chiêm bái của Phật tử và du khách thập phương.

 

Tin Cùng Chuyên Mục