CHÙA GIÁC QUANG

Tổ Đình Giác Quang tọa lạc tại số 47 đường Lương Văn Can, phường 15, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Chùa do Hòa thượng Giác Quang và Hòa Thượng Tịnh Tuệ cùng các vị Cư sĩ lão thành trong Tổng Hội Cư Sĩ sáng lập vào năm 1938. Tổ Giác Quang thế danh là Dương Văn Thêm sinh năm 1895 tại Làng Tân Sơn Nhì – tỉnh Gia Định, ngài từng giữ các chức vụ quan trọng như Hương Hào, Hương Quản và Xã Trưởng xã Tân Sơn Nhì (nay là quận Tân Bình và Tân Phú thuộc TP. Hồ Chí Minh), nhờ nhân duyên lành gặp các vị Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật, ngài đã phát tâm tu học đạo pháp từ năm 1939. Năm 1940, ngài qua Campuchia học đạo và xuất gia trong 5 năm, được Hòa thượng bổn sư đặt pháp danh là Giác Quang, sau đó, ngài về nước cùng chư Tăng Phật giáo Nguyên Thủy xây chùa để hoằng pháp. Sau ngôi tổ đình Bửu Quang, chùa Giác Quang trở thành ngôi chùa thứ hai của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam.

Tổ Giác Quang thế danh là Dương Văn Thêm sinh năm 1895 tại Làng Tân Sơn Nhì – tỉnh Gia Định, ngài từng giữ các chức vụ quan trọng như Hương Hào, Hương Quản và Xã Trưởng xã Tân Sơn Nhì (nay là quận Tân Bình và Tân Phú thuộc TP. Hồ Chí Minh), nhờ nhân duyên lành gặp các vị Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật, ngài đã phát tâm tu học đạo pháp từ năm 1939. Năm 1940, ngài qua Campuchia học đạo và xuất gia trong 5 năm, được Hòa thượng bổn sư đặt pháp danh là Giác Quang, sau đó, ngài về nước cùng chư Tăng Phật giáo Nguyên Thủy xây chùa để hoằng pháp. Sau ngôi tổ đình Bửu Quang, chùa Giác Quang trở thành ngôi chùa thứ hai của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam.

Chùa đã trải qua các đời trụ trì :  – Hòa thượng Giác Quang (năm 1945 – 1967 ); Hòa thượng Tịnh Tuệ  (năm 1967 – 1977 ); Hòa thượng Giác Nhân ( năm 1977 – 1987 );      Hòa thượng Giác Nhẫn  (năm 1987 – 1989 ); Hòa thượng Thích Quang  (năm 1989 – 1996 );Thượng tọa Thiện Đạt (năm 1997 đến nay)

Tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của chư vị trụ trì tiền bối, Thượng tọa trụ trì Thiện Đạt và Thượng tọa Phó trụ trì Nguyên Ngọc hiện nay đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa trở thành ngôi phạm vũ cao đẹp, trang nghiêm; đào tạo thêm giới tử cho xuất gia, cho chư Tăng trẻ học văn hóa, mời nhiều vị pháp sư giảng pháp trong những kỳ sám hối; tổ chức những ngày đại lễ hằng năm như Lễ Đặt Bát Hội Mừng Xuân mới – Mồng 1 Tết Nguyên Đán, Đại lễ Rằm Tháng Giêng, Đại Lễ Phật Đản, Lễ Giỗ Tổ Giác Quang, Lễ An cư Kiết hạ, Đại lễ Vu Lan Báo hiếu, Đại lễ Dâng y Kathina, Lễ Hiệp kị Linh cốt, Lễ Cúng dường Phật Y Đêm Giao thừa… tập họp đông đảo chư Tăng và Phật tử tham dự. Chùa cũng tham gia tích cực trong công tác xã hội tại địa phương, cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt các nơi, đặc biệt, chùa còn là một cơ sở phát cháo dinh dưỡng từ thiện một tuần 2 kì cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 2005 đến nay.

Cổng tam quan của chùa được xây dựng năm 2004. Sau tam quan là ngôi chánh điện cao lớn được xây dựng vào năm 2005, gồm một tầng hầm và hai tầng lầu. Tầng hầm sử dụng để xe của chư Tăng, Phật tử; tầng 1 làm nhà Tổ và trai đường, tầng 2 bài trí Phật điện. Pho tượng đức Phật Thích Ca ngồi ban phúc được tôn trí ở án thờ trung tâm. Tượng cao 2,5 m được đúc bằng đồng thếp vàng vào năm 2000 tại Thái Lan. Đây là pho tượng Phật bằng đồng đầu tiên lớn nhất của Hệ phái Phật giáo Nam tông Việt Nam. Trước Phật điện ở lầu 2, chùa đặt thờ pho tượng đức Phật Thích Ca ban phúc bằng đồng cao 4m cũng được đúc tại Thái Lan năm 2002, dáng tượng thanh thoát, uy nghi đứng trên ban công có mái che ở  lầu 2 nhìn xuống mặt đường và sân chùa ban phước lành cho chư thiện nam tín nữ vào chùa tu tập. Sau điện Phật có treo quả đại hồng chung nặng 1.000 kg, được đúc vào năm  2007 mô phỏng chiếc đại hồng chung Hoàng gia tại Viện Bảo tàng Cổ vật Phật giáo tại thủ đô Bangkok , Thái Lan. Bước vào chùa, bên phải có phòng khách và Tăng xá, trai đường và nhà trù. Sau ngôi chánh điện là một số cốc liêu của các tu nữ. Chùa còn giữ một bộ kinh được khắc bằng chữ Pàli trên lá buông do Sư Tổ Giác Quang thỉnh về từ Campuchia năm 1945.

 

Tin Cùng Chuyên Mục