CHÙA GIÁC NGỘ

Chùa Giác Ngộ trước kia có địa chỉ tại số 36 đường Jean Jacques Rousseau, sau đó đổi thành số 90 Trần Hoàng Quân và hiện nay là  số 92 Nguyễn Chí Thanh, Phường 3, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Giác Ngộ là một trong những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng tại Sài Gòn. Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu và lớp học Phật pháp dành cho phật tử.

Năm 1946 cư sĩ Trần Phú Hữu – một công chức của chính phủ với mong muốn giúp người có duyên tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tính, xóa bỏ muộn phiền đau thương của cuộc đời, ông đã phát tâm xây dựng chùa Giác Ngộ tại lô đất có diện tích 695m2. Chùa khi đó có chính điện nhỏ chỉ đủ chỗ cho khoảng 80 Phật tử tu học và mấy căn nhà nhỏ.

Vào ngày 21/5/1956, cư sĩ Trần Phú Hữu phát tâm xuất gia thành thầy Thích Thiện Đức nên đã hiến cúng toàn bộ đất và chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng Già Nam Việt do hòa thượng Thích Thiện Hòa làm trị sự trưởng tiếp nhận. Sau đó chùa Giác Ngộ được xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ XX do Đức Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Phó tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Ngày 30/7/2012 chùa Giác Ngộ được Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép xây mới toàn bộ. Do chùa cũ đã xuống cấp và không đủ điều kiện để phục vụ cho việc đào tạo, sinh hoạt của các Phật tử, Tăng đoàn tại đây. Lễ đặt đá trùng tu chùa Giác Ngộ vào ngày 16/9/2012. Công trình chùa Giác Ngộ xây mới có tổng diện tích là 3476m2 bao gồm 7 lầu và 1 tầng hầm gửi xe. Trong đó, chính điện của chùa gồm 2 tầng. Tầng 1 có diện tích 412m2 và gác lửng tầng 2 có diện tích 300m2 với sức chứa khoảng 700 người cùng làm lễ một lúc. Tầng 3 của chùa là thiền đường, tầng 4 là thư viện. Các tầng 5, 6, 7 phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt Phật học và các Phật sự khác. Ngoài 7 lầu và 1 tầng hầm gửi xe thì khi tới tham quan chùa Giác Ngộ bạn sẽ thấy phía sau còn có dãi Tăng xá và dãi nhà thờ cốt của thân bằng quyến thuộc các Phật tử đã quá vãng ở phía bên trái từ ngoài nhìn vào. Chùa được hoàn thành vào năm 2014. 

Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với Điện Phật được bày trí trang nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca thiền định. Bàn thờ phía trước đặt thờ nhiều tượng phật như Đức Phật Thích Ca, tượng Thất Phật Dược Sư, Bồ tát Di-lặc,…. Chùa có diện tích rộng với tổng cộng 7 lầu và 1 tầng hầm gửi xe. Cách trang trí bên trong chùa không quá cầu kỳ. Trong chùa có thang bộ và thang máy có diện tích vừa phải nhưng được thiết kế ở cả hai bên giúp thuận tiện cho Phật tử khi tới đây. Khuôn viên nở ra ở phía trong nên càng đi vào sâu trong chùa bạn sẽ càng cảm nhận thấy sự rộng rãi hiếm có của một ngôi chùa giữa lòng Sài Gòn. Ở chùa Giác Ngộ phần kiến trúc dùng làm công trình phụ được đặt ở trên chính điện, nhưng lại được ngăn cách hoàn toàn do đó vẫn giữ nguyên được sự thanh tịnh, trang nghiêm cho chính điện. 

Chùa Giác Ngộ là cơ sở đào tại của rất nhiều trường học và là nơi tổ chức nhiều khóa học, khóa tu ngắn hạn dành cho Phật tử. 

Năm 1959, ngôi trường tư thục Phật giáo đầu tiên tại Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập. Được đặt tên là trường trung học Bồ Đề – Chợ Lớn đặt cơ sở tại chùa Giác Ngộ. Năm 1979, trường sơ đẳng Phật học Thiên Hòa được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thịnh và đặt cơ sở tại chùa Giác Ngộ. Suốt từ năm 1984 đến nay, chùa Giác Ngộ là nơi đào tạo tăng tài, phật tử đến từ nhiều nơi. Nhiều thầy xuất thân từ chùa Giác Ngộ đã xuất dương làm đạo thành công tại châu Âu, châu Úc, Hoa Kỳ, Canada,….Tại Việt Nam, hiện có 5 thầy đỗ tiến sĩ Phật học, 2 thầy đỗ thạc sĩ Phật học và nhiều thầy đậu cử nhân Phật học, các ngành khoa học xã hội. Một số thầy đã làm trụ trì tại nhiều tỉnh thành, gánh vác Phật sự quan trọng của giáo hội hoặc giảng dạy tại Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM. 

Dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Nhật Từ, chùa chủ trương theo hình thái Đạo Phật Ngày Nay, tu theo pháp môn Tứ Thánh đế, Tứ niệm xứ và thiền Vipassana chùa Giác Ngộ được nhấn mạnh. Tông chỉ của chùa là nhập thế và truyền bá Phật pháp qua các hoạt động từ thiện, hoằng pháp và đặc biệt là hoạt động giáo dục. Vào ngày chủ nhật hàng tuần, chùa Giác Ngộ thường xuyên tổ chức các khóa tu một ngày an lạc,…. Lễ Quy Y Tam Bảo chùa Giác Ngộ được tổ chức vào các ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy, tháng mười và vào các lễ hội văn hóa Phật Giáo. Sáng chủ nhật hàng tuần các Phật tử trung niên và lão niên tu học. Còn các thanh thiếu niên Phật tử thì thường sinh hoạt vào chiều chủ nhật. Ngoài ra, chùa Giác Ngộ còn thường xuyên tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho các Phật tử để họ có cuộc sống hạnh phúc, an nhiên theo đúng tinh thần Phật dạy.

 

Tin Cùng Chuyên Mục