Chùa Dạm, hay chùa Rạm, tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian (vì ngày xưa chùa có 100 gian nhưng không phải chùa Trăm Gian thuộc địa phận Hà Nội), cũng được gọi là chùa Lãm Sơn, theo tên núi. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, ngày xưa thuộc xã Lãm Sơn Trung, tổng Lãm Sơn Nam, huyện Quế Dương, nay là xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam từ thời Lý và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1.000 năm.
Đây là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng.
“Ai về thăm đất quê em
Mà lên núi Dạm xem tiên đánh cờ”
(Ca dao)
Núi Dạm còn gọi là Đại Lãm Sơn, Cảm Lãm Sơn hoặc Lãm Sơn. Đây không phải là quả núi đột khởi giữa đồng bằng mà cùng một hệ với các núi bên vùng Tiên Du ở vào đoạn cuối. Trên đỉnh núi Dạm có “Bàn cờ tiên” bị lật ngược, dấu tích trừng phạt của thiên cung đối với các nàng tiên mải mê nơi hạ giới. Và giờ đây, trèo lên đỉnh núi, dù không được gặp tiên nhưng phóng xa tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh vùng đất nơi đây cũng chẳng khác nào là nơi tiên cảnh. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này mà theo cách gọi của dân gian là đất tứ linh; Rồng uốn lượn một dải từ Sơn Dương, Tự, Trung và Triều Thôn; Phượng đậu ở Sơn Đông và Đa Cấu; Lân đứng ở Sơn Nam và Đông Dương; Rùa ngoi đầu lên từ đồng ruộng nằm cạnh Nga Hoàng. Từ xưa ở đây có tiếng là nơi danh lam thắng cảnh, có suối chảy vòng quanh núi, cây cối xum xuê cả vùng như một bức tranh vẽ, rất nhiều thi nhân đã về đây ca ngợi đề thơ.
Sau thắng lợi huy hoàng trên dòng sông Như Nguyệt năm 1077 với nền độc lập trường cửu đã được ghi rõ trong: “Nam quốc sơn hà”, niềm hưng khởi đó đã thúc đẩy phát triển mọi mặt, nền văn hóa Đại Việt đã có những bước tiến quan trọng. Từ năm 1085 Nguyên Phi Ỷ Lan “dạo chơi núi sông, ý muốn dựng xây chùa tháp” và sau đó năm 1086 triều đình ra lệnh cho xây dựng chùa Đại Lãm Sơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm Bính Dần (1086), vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 2 “Làm chùa ở núi Đại Lãm”. Năm sau (1087), “Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 4 (1088), “Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lãm Sơn”. Năm 1094 (vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Hội Phong năm thứ 3), “mùa hạ, tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong”.
Đến năm 1105, vua Lý “Mùa thu, tháng 9, làm ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn”. Như vậy, qua thư tịch có thể biết rằng: chùa Dạm được khởi dựng từ mùa Đông năm 1086, đến mùa Thu năm 1094 hoàn thành. Công việc xây dựng tháp cứ dần dần được bổ sung về sau. Đây là một công trình quan trọng nên vua Lý Nhân Tông rất quan tâm và chăm lo đến công trình chùa Dạm. Trong quá trình xây dựng đích thân nhà vua nhiều lần về thăm, đề thơ, viết biển và nghỉ qua đêm ở đây, nhà vua đã dùng nơi đây để thết đãi triều thần. Voi của nhà vua được thả ở chân núi Rùa, đó là cánh đồng Cỏ Voi. Sau khi hoàn thành vua Lý Nhân Tông đặt tên cho chùa là “Cảnh Long Đồng Khánh”.
Trong 56 năm ở ngôi, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) cùng mẹ là Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đã dựng hàng trăm ngôi chùa thờ Phật, mà chùa Dạm là một trong những ngôi chùa lớn do đích thân nhà vua đứng ra hưng công xây dựng. Đây là ngôi chùa lớn của Hoàng gia trên vùng đất phía Bắc, cùng với chùa Phật Tích và một số chùa khác đã làm nên hệ thống chùa Phật giáo Hoàng gia trên vùng đất tổ cố hương của vương triều Lý. Vua Lý Nhân Tông được coi là “vua giỏi triều Lý” trị vì vào thời đại “dân được giàu thịnh, nước được thái bình”.
Thời gian dài, chùa Dạm đã được các triều đại sau quan tâm đầu tư đặc biệt, quy mô to rộng của chùa Dạm đã được vua Trần Nhân Tông (1279-1293) trong quá trình ghé thăm chùa Dạm đã viết:
Thập nhị lâu đài khai họa trục
Tam thiên thế giới nhập thi mâu
Tạm dịch
Bức tranh kiến trúc mười hai lớp
Mắt thấy thiên nhiên rộng vạn lần
Trải qua thời gian cái quy mô to lớn, đồ sộ, rộng rãi của chùa xưa không còn nữa. Nhưng nó đã được ghi chép lại rất sâu trong ký ức của người dân nơi đây, của những lớp mặt bằng mênh mông, những thành nền vững chãi, những khu đất vuông – tròn được kè lại bằng đá chạm sóng nước nhấp nhô. Ở cấp nền 2 hiện còn cột đá chạm Rồng rất tinh xảo. Đây là một tác phẩm nguyên gốc của di tích hiện còn, dù không còn trọn vẹn. Đó là một chứng tích của lịch sử ngàn năm.
Cột đá chạm Rồng vẫn còn giữ lại nhiều yếu tố của một hạng mục kiến trúc mang tính độc lập trong quần thể chùa Dạm. Hình tượng đôi Rồng trên cột đá thể hiện một vương quyền là phong cách điển hình của thời Lý, không thể trộn lẫn với bất cứ thời nào sau đó. Cũng như xác định các hạng mục của chùa trên mặt bằng hiện trạng với các dấu tích, cùng các mốc trùng tu. Cho thấy “chỗ đứng” cột đá chạm Rồng là “bất di bất dịch” vẫn nằm ở vị trí “nguyên thủy” dựng từ thời Lý Nhân Tông.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích chùa Dạm, để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi khu di tích chùa Dạm.