CHÙA CẢM SƠN

Chùa Cảm Sơn tọa lạc tại phường Đại Nài, Tp. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ giữa thế kỷ 19, quần thể Núi Nài – Chùa Cảm Sơn đã nổi tiếng gần xa và được xếp là một trong tám cảnh đẹp quanh tỉnh thành Hà Tĩnh. Trải qua bao biến đổi thăng trầm, sông Phủ, núi Nài, chùa Cảm Sơn mãi luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của cư dân nơi đây.

Núi Nài rộng khoảng 3,6ha, đỉnh núi cao khoảng 23 mét so với mặt nước biển. Qua điều tra khảo cổ học, địa danh này được xác định thuộc Di chỉ cồn sò điệp ven biển miền Trung, thuộc hậu kỳ đồ đá mới. Ở mái tây nam núi Nài có một ngôi chùa, dân bản địa thường gọi là Chùa Nài, tên chữ là Cảm Sơn tự. Chùa Cảm Sơn được khởi dựng vào khoảng thời kỳ Hậu Lê, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức ( 1653 – 1657). Truyền rằng trước đây chùa Cảm Sơn chỉ có một ngôi chính điện và một nhà tăng. Phía trước chùa có cây đa cành lá sum suê và một giếng nước trong xanh không bao giờ vơi cạn. Cây đa, giếng nước hoà cùng quần thể núi Nài góp phần tôn lên không gian kiến trúc chùa Cảm Sơn thêm linh thiêng, cổ kính. 

Theo dòng chảy của thời gian và chiến tranh tàn phá, năm 1965 chùa Cảm Sơn bị phá huỷ hoàn toàn. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo trên nền móng củ ngày xưa, đến nay quần thể kiến trúc của chùa Cảm Sơn có: Nhà Tam Bảo thờ Phật; Nhà Tổ thờ các vị tổ sư và hương linh các anh hùng liệt sĩ, các gia tộc từng công đức, gắn bó mật thiết với ngôi chùa. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, nhiều năm qua chùa Cảm Sơn trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh của các tăng ni, phật tử, bà con đạo hữu xa gần. 

Đại đức Thích Quảng Nguyên – Phó Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh tâm sự: “Núi Nài, chùa Cảm Sơn trở thành một danh  thắng giữa lòng Thành phố Hà Tĩnh. Hiện vật trong chùa gồm có 11 pho tượng Phật, 1 quả chuông và nhiều lư hương, cọc nến bằng đồng cùng một số đồ tế khí bằng gỗ sơn son thiếp vàng  rất đẹp.  Vào ngày rằm, mồng một đặc biệt là dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu, tết Nguyên đán.v.v.. từng dòng người từ khắp mọi nơi nườm nượp đến chùa Cảm Sơn để dâng hương, lễ phật. Với tấm lòng thành kính, đức tin sự phù hộ độ trì của phật, chư vị Bồ Tát, các bậc thánh hiền mà mọi người đều được thiện duyên, giác ngộ cho  tâm hồn thanh tịnh, cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Hoạt động tín ngưỡng tâm linh ở chùa Cảm Sơn được duy trì phát triển đã và đang góp phần tô thắm thêm truyền thống, nét đẹp văn hoá phật giáo ở Việt Nam”.

Nằm gần kề tuyến đường thiên lý Bắc- Nam, giữa vùng đất Thành Sen có bề dày về truyền thống văn hoá, lịch sử, chùa Cảm Sơn từng có rất nhiều tao nhân mặc khách, sĩ tử đến lai kinh ứng thí hoặc các vị quan lại về đây vãn cảnh dâng hương.  Truyền rằng những danh sĩ nổi tiếng như: Bùi Huy Bích, Cao Bá Quát, giải nguyên Nguyễn Hàm Ninh, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu  cũng từng đặt chân đến chiêm ngưỡng quần thể núi Nài, chùa Cảm Sơn và đã để lại nhiều vần thơ tuyệt bút.
Đặc biệt người để lại dấu ấn sâu đậm nhất trên vùng đất Núi Nài – Sông Phủ phải kể đến Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, một nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lớn của giải đất Hồng Lam. Khi về trí sĩ ông chọn chùa Cảm Sơn làm nơi di dưỡng tinh thần. Hiện nay trong khuôn viên trường Trung học Cơ sở Đại Nài vẫn còn giếng chùa và tấm bia đá tương truyền do Tướng công Nguyễn Công Trứ tạo dựng. Dù chỉ là truyền ngôn, nhưng giếng chùa và tấm bia đá vẫn luôn được các thế hệ giáo viên và học sinh trường Trung học Cơ sở Đại Nài tự hào, gìn giữ.

Quần thể Núi Nài – Chùa Cảm Sơn gắn với nền văn hoá phật giáo trên dải đất núi Hồng, sông La có lúc thăng, lúc trầm. Song vượt lên tất cả vùng đất này vẫn là nơi  chứa đựng nhiều dấu tích, nhiều tầng vỉa văn hóa của các bậc tiền nhân để lại. Không gian kiến trúc từ chính điện đến nhà tăng và các hạng mục xung quanh chùa cổ kim giao hoà làm một, càng tôn lên vẻ huyền bí, linh thiêng. Hoạt động tín ngưỡng ở chùa Cảm Sơn luôn lấy giáo lý nhà Phật làm trọng, tâm hướng thiện ‘từ bi hỉ xả’ để cuộc sống thêm thanh cao thuần khiết. Bởi vậy mà danh thắng núi Nài- Chùa Cảm Sơn mãi luôn gắn bó mật thiết trong đời sống văn hoá tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Dưới màu xanh lâm tuyền, dẫu thế cuộc trải bao thay đổi, tiếng chuông Cảm Sơn tự vẫn dìu dặt ngâng vang, ru cuộc sống thanh bình bên núi Nài, sông Phủ. Để rồi trong công cuộc xây dựng đổi mới quê hương, đất nước hôm nay, người dân phường Đại Nài nói riêng và đạo hữu gần xa nói chung luôn thành tâm hướng về ngôi cổ tự, công đức tôn tạo lại ngôi chùa ngày một tôn nghiêm, bề thế, xứng tầm là một trung tâm phật giáo ở Hà Tĩnh. 

Núi Nài- Chùa Cảm Sơn trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn ngay giữa lòng thành phố Hà Tĩnh, góp phần thiết thực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân.

Tin Cùng Chuyên Mục