CHÙA BỬU HƯNG

Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Đường dẫn vào chùa xanh rì bóng cây, như tạo thêm vẻ huyền bí cho ngôi chùa cổ được xây dựng gần 240 năm trước. Bửu Hưng xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Đồng Tháp. Đây là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, đã được công nhận là “Di tích quốc gia” vào ngày 3 tháng 8 năm 2007.

Do ngôi chùa nằm bên cạnh rạch Ông Cả Cát, nên người dân trong vùng quen gọi đây là chùa Cả Cát từ xưa. Theo tư liệu của chùa thì năm 1777, thiền sư Nguyễn Đăng từ kinh thành Huế vào đây dựng chùa với vật liệu tạm bợ là tre trúc, vách đắp bùn, lợp lá dừa nước. Sau đó, chùa được trùng tu rất nhiều lần, lần gần đây nhất vào năm 1977.

Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000 mét vuông, thiết kế theo kiểu chữ tam” (三) có chiều ngang 15 mét, dài 50 mét bao gồm:  Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau. Chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và cổ vật do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm 1821.

Về chuyện này, Hòa thượng Thích Minh Trí – trụ trì chùa, kể lại: “…vào khoảng năm 1785 đến 1790 (?), chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) bị quân Tây Sơn truy đuổi vào tận các tỉnh phía Nam đã có thời gian dẫn tàn binh ghé qua chùa này tá túc và được cưu mang, che chở an toàn. Nhớ ơn này, Gia Long có kể lại cho con cháu của mình biết để trả ơn. Đến năm 1821, vua Minh Mạng là hậu duệ của vua Gia Long mới thực hiện lời di chúc nầy…”.

Phía sau chánh điện chùa là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu (口), có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ. Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa. 

Ông Lê Tấn Thế, ngụ cạnh chùa, tuy đã 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, kể: Hồi xưa vùng nầy hoang vu lắm, có lác mọc đầy, cọp, beo, rắn, rết đầy dẫy. Mỗi khi tối đến không ai dám bơi xuồng dưới kênh hay đi bộ trên con đường làng hẻo lánh. Cứ vài ba ngày là có người bị rắn cắn, heo, gà, vịt bị cọp tha. Từ khi có ngôi chùa này thì mọi chuyện yên ổn hơn.

Đại đức Thích Thiện Bửu – người đang làm phật sự tại chùa, kể thêm: “Không biết hư thực ra sao, nhưng câu chuyện kể về cọp, beo mỗi đêm về cái ao nước phía đông của chùa uống nước, nằm phủ phục trước chánh điện để nghe tụng kinh Phật rồi mới rút lui được lưu truyền hàng trăm năm qua. Hiện nay, cái ao nầy vẫn còn giữ nguyên trạng và được trồng nhiều hoa sen rất đẹp mắt…”.

Ngày 3/7/1947, máy bay Pháp đã ném bom rất ác liệt do chùa này là nơi nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng hoạt động ở địa bàn Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long. Điều rất kỳ lạ là toàn bộ chánh điện đều còn nguyên vẹn dưới mưa bom. Chính điều này làm tăng thêm lòng tin vào sự uy thiêng của chùa Bửu Hưng. Chùa cũng đã là nơi đào tạo, tu tập của rất nhiều tu sinh từ các địa phương.

Với bề dầy lịch sử như thế, năm 2007, chùa Bửu Hưng đã được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tin Cùng Chuyên Mục