CHÙA BỘC (SÙNG PHÚC – THIÊN PHÚC TỰ)

Chùa Bộc, tên chữ Sùng Phúc tự và Thiên Phúc tự, toạ lạc tại số 14 phố Chùa Bộc,  phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa Bộc có từ thời Hậu Lê, tên chữ là Sùng Phúc tự. Tấm bia cổ nhất trong chùa ghi việc năm Vĩnh Trị nguyên niên dưới đời vua Lê Hy Tông (1676), vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân sở tại đã xây dựng lại chùa.

CHÙA BỘC

Người đăng: Chùa Việt vào Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Năm 1792 dưới đời vua Quang Trung, trên nền cũ cháy trụi trong chiến dịch Tết Kỷ Dậu giải phóng Thăng Long, chùa được xây lại lần nữa, đổi tên là Thiên Phúc tự và làm thêm Bộc Am để quy y cho vong hồn các binh sĩ quân Thanh.
Chính vua Quang Trung đã ra lệnh xây dựng một ngôi miếu cho vong hồn quân quan nhà Thanh bị chết ở vùng gò này. Câu thơ sau do dân gian lưu truyền cũng cho thấy sự tồn tại của những am miếu nói trên
Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am
Cạnh sân chùa Bộc vẫn lưu dấu tích hồ tắm voi, gò kéo cờ, gò đánh cồng … liên quan đến cuộc chiến đấu của quân Tây Sơn ở vùng này vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. Xa hơn vài trăm bước còn có các gò Đống Thiêng, Đầu Lâu, núi Ốc, núi Cây Cờ, nghĩa địa Khâm Tử, miếu Trung Liệt, chùa Đồng Quang và những địa danh khác gợi nhớ trận Đống Đa và một số sự kiện lịch sử bi hùng sau đó.
Chùa vốn làm theo kiến trúc hình chữ đinh (亭) trong một khuôn viên rộng; qua cổng tam quan nội là đến sân trước rồi tiền đường, chính điện thờ Phật, nhà Tổ, nhà Mẫu. Tam quan nội là một gác chuông xây như kiểu ở chùa Láng, mặt nhìn ra hồ ở hướng đông-nam, xa xa là đồng ruộng của các làng Đông Tác (Trung Tự), Kim Liên và Khương Thượng.
Chùa bảo tồn được nhiều di vật quý, gồm các pho tượng Phật, một quả chuông đời Cảnh Thịnh và 3 tấm bia cổ. Ngoài 2 bia ghi niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) và Chính Hòa Bính Dần (1686) là bia “Tái tạo Sùng Phúc Tự Phật tượng các tòa bi ký” khắc năm Quang Trung thứ tư (Nhâm Tý 1792) ghi việc xây lại chùa và làm lại tượng Phật do Thiền sư trụ trì là Tăng thống Lê Đình Lượng cùng dân bản trại Khương Thượng phát tâm công đức.
Trong chùa còn có tượng Đức Ông ở gian bên phải Tam bảo, một chân để trần, ngồi dưới chữ “Tâm” đại tự, trên treo bức hoành phi đề “Uy phong lẫm liệt”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là pho tượng người anh hùng Tây Sơn mà nhân dân đã bí mật dựng năm Bính Ngọ 1846 để thờ cúng tưởng nhớ, bất chấp nhà Nguyễn đang tìm mọi cách xóa bỏ dấu vết chiến thắng và công lao vẻ vang của Nguyễn Huệ.
Phía sau bệ tượng có khắc dòng chữ “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” và đôi câu đối:
洞裡無塵大地山河留棟宇
光中化佛小天世界轉風雲
(Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang Trung hóa Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân)
Tạm dịch là:
Sạch bụi vùng gò, sông núi mênh mang lưu rường cột
Quang Trung thành Phật, vũ trụ vô biên nổi gió mây. 
Chùa Bộc đã được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử từ năm 1962 trong đợt xếp hạng đầu tiên.

Tin Cùng Chuyên Mục