CHÙA BÌNH LÂM

Chùa Bình Lâm tọa lạc tại  xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chùa Bình Lâm là nơi lưu giữ một quả chuông được đúc vào năm 1295, đời vua Trần Anh Tông. Trên thân chuông chùa Bình Lâm có 3 chữ Hán lớn “Phụng Tam Bảo” thể hiện nét văn hóa dung hợp ba loại hình tôn giáo: Nho, Phật và Đạo thời Trần. Chuông chùa Bình Lâm là một trong những quả chuông có niên đại sớm nhất được biết ở Việt Nam.

Chùa Bình Lâm (tên chữ Hán là Bình Lâm tự) xưa kia vốn ở phía chân núi đối diện chùa hiện tại, nhưng nơi đây giờ chỉ còn lại nền chùa.Năm 2005, di tích kiến trúc nghệ thuật chuông chùa Bình Lâm đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia.Ngày 22/11/2007, chùa Bình Lâm mới được khánh thành có tổng diện tích 140m2.
Chùa Bình Lâm hiện còn lưu giữ được một quả chuông đồng lớn được đúc vào thời Trần (năm Ất Mùi 1295). Quả chuông cao 105cm (trong đó thân chuông cao 86cm, quai chuông cao 19cm), đường kính miệng chuông là 59cm. Quai chuông là 2 hình rồng đấu lưng vào nhau, trên đỉnh quai chuông là hình bầu rượu. Chuông có 6 núm tròn, miệng chuông hơi loe được trang trí bởi những cánh sen nối tiếp nhau.Trên 4 ô lớn ở thân chuông có khắc văn bản chữ Hán gồm 1 bài ký và bài minh. Bài minh trên thân chuông bằng chữ Hán gồm 309 chữ, được khắc vào năm Bính Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 4 (1296), trên quả chuông có tiêu bản rồng nổi trên chất liệu đồng (thế kỷ 13). Ngoài ra, tại chùa Bình Lâm còn phát hiện được một số di vật như Tháp đất nung, mái ngói có hoạ tiết hoa chanh….là những nét quen thuộc và tiêu biểu của văn hoá thời Trần.
Bài minh trên chuông có nội dung như sau: “… chùa Bình Lâm tự thời Trần thuộc châu Bà Đồng Thượng ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh, nước Đại Việt. Nay kẻ nối sau là thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng thái ông lão bà, thiện nam tín nữ phát tâm đúc quả chuông lớn và giờ Ngọ ngày rằm tháng 3 năm Ất Mùi (1295) ở mái hiên Tiểu Thượng Niên, viện Đại Bi trong thành để lưu truyền mãi mãi ở chùa Bình Lâm…”
Theo nội dung cùa bài minh chuông thì chủ nhân của quả chuông này là vợ chồng vị Thủ lĩnh họ Nguyễn và quả chuông trên được đúc ở nơi khác vào năm 1295, rồi sau đó mới đưa đến chùa Bình Lâm, và văn bản trên chuông được khắc sau đó 1 năm (1296), khi quả chuông được đưa về chùa. Chuông chùa Bình Lâm là quả chuông thời Trần hiếm hoi, duy nhất có ghi niên đại còn lại ở nước ta.

Tin Cùng Chuyên Mục