CHÙA BÁI ĐÍNH

Toạ lạc tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn, hiện đang giữ nhiều kỷ lục Châu Á lớn nhất tại Việt Nam. 

Quần thể chùa Bái Đính có diện tích 539 ha, gồm 27 ha khu Bái Đính cổ, 80 ha khu Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 và nhiều hạng mục khác. Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi cao lớn, kỳ vĩ. Bước vào chính điện là pho tượng Phật bằng đồng nguyên chất được dát vàng toàn bộ ở chánh điện trong điện thờ Pháp chủ. Đây chính là tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen. Tượng cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng dát vàng, đặt trên bệ cao 1,5m. Bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật của chùa Bái Đính, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước. Tượng cao 10m, nặng 80 tấn, đứng ngoài trời.

Chuông chùa Bái Đính hay còn gọi là Đại hồng chung nặng 36 tấn, cao 5,5m, đường kính 3,7m nằm trong Tháp Chuông, được đúc từ đồng đỏ sản xuất trong nước. Chuông chùa Bái Đính được dùng trong việc kinh kệ và thờ phụng. Trên thân chuông có nhiều hoa văn, họa tiết mô phỏng từ các chuông cổ, nổi rõ lên là những chữ Hán được khắc theo chủ đề Phật

Chùa Bái Đính có hành lang La Hán dài gần 3 km với tượng 500 vị La Hán bằng đá. Từ nhà gỗ Tam Quan theo hai hướng đông và tây dọc đến Tả vu và Hữu vu, mỗi bên gồm 117 gian hành lang. Mỗi dãy hành lang La Hán tại chùa Bái Đính có kiến trúc từ thấp lên cao với 22 bậc, mỗi bậc cao 1,35m. Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam

Tại chùa Bái Đính có 500 bức tượng La Hán bằng đá nguyên khối cao từ 1,5m đến 2m được đặt dọc theo lối đi vào và ra. Mỗi pho tượng đều có những tạo hình khuôn mặt, dáng đứng ngồi cho tới mắt, mũi, tai, miệng,.. khác nhau, đến cả dáng hình, phong độ, thần thái, tâm trạng cũng mang những nét riêng biệt hoàn toàn. Các đường nét chạm trổ mềm mại, uyển chuyển rất tinh tế.

Hằng năm, vào mùa xuân, đặc biệt những ngày đầu năm, chùa đón hàng triệu lượt người đến cúng bái và tham quan. Thời gian này cũng diễn ra lễ hội (từ ngày mùng 6.1 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch). Nhiều người coi Bái Đính là một địa điểm tâm linh, thắp hương, bái Phật cầu bình an, phát tài.

 

Tin Cùng Chuyên Mục