THIỀN VIỆN TRÚC LÂM TUỆ ĐỨC

Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được kiến tạo trên nền chùa cổ Kim Tôn thuộc thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này ta có thể nhìn thẳng ra Sông lô, và một chiếc Hồ lớn hình một ông Rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.

Chùa Trúc Lâm Tuệ Đức được tôn tạo từ chùa Kim Tôn, một ngôi Chùa cổ đã có trên 700 năm tuổi thuộc xã Đồng Quế, huyện Sông Lô. Sau 10 năm khởi công xây dựng, đên nay công trình đã hoàn thành. Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức là sự kế thừa, phát huy những tinh hoa, giá trị từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc lâm nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy  giá trị di sản văn hóa thời Lý – Trần trên đất Vĩnh Phúc. Trúc lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Tháng 4 năm 2010, Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức chính thức khởi công xây dựng thuận theo lối kiến trúc chùa  – tháp Việt Nam, trên diện tích gần 15 ha thuộc khu vực núi Hình Nhân, trong dãy núi Sáng – nơi phát hiện chùa tháp cổ Kim Tôn, thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô.

Tổng thể Thiền viện chia thành hai khu nội viện và ngoại viện với nhiều hạng mục chức năng khác nhau, bao gồm: Tam quan, chính điện, tổ đường, thiền đường, tăng đường, trai đường, khách đường, giảng đường, thư viện, khu thiền thất, khu ni xá, hoa viên, di hương đường..Tất cả các công trình được bố trí hài hòa với ý thức bảo tồn, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Theo đó, Thiền viện có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản về đời sống sinh hoạt cho tăng đoàn xuất gia, học hỏi, thực hành và truyền bá lời Phật dạy; cũng là nơi thích hợp để tổ chức các khóa tu thiền, sinh hoạt Phật pháp cho giới cư sĩ và đại chúng.

Sự hiện hữu của Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức không ngoài ý nguyện kế thừa, chia sẻ và phát huy những tinh hoa – giá trị cao qúy từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, góp phần tô đậm thêm mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị cốt lõi của Phật giáo với những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vốn hình thành từ ngàn đời trong diễn trình lịch sử – văn hóa Việt Nam, được trao truyền cho hôm nay và mai sau.

Tin Cùng Chuyên Mục