THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯỢNG HOÀNG

Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng được xây dựng từ chân lên lưng chừng của ngọn núi Non Vua. Đây là đỉnh cao nhất trong dãy Nham Biền. Đỉnh ngọn Non Vua có Giếng trời, còn được gọi là Thiên huyệt, quanh năm có nước sạch trong mát. Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng tọa lạc tại thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn, cách trung tâm huyện 2 km và cách TP Bắc Giang khoảng 10 km. Dưới chân núi Non Vua là khe Hang Dầu được biết đến là nơi quy tụ Nguyệt Nham của 9 ngọn núi Phượng, nguồn nước dồi dào, thảm thực vật đa dạng. Theo quy hoạch, thời gian tới khe Hang Dầu sẽ được đầu tư thành khu vui chơi giải trí kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng.

Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng

Người đăng: Chùa Việt vào Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Tổng diện tích quy hoạch xây dựng hơn 18 ha gồm các hạng mục: Cổng tam quan; lầu chuông, lầu trống; Tòa điện chính; nhà tổ, nhà khách; nhà trưng bày; thiền đường, trai đường, thư quán… Các hạng mục được thiết kế hài hòa với kiến trúc đẹp, uy nghi, bảo đảm cảnh quan môi trường và đặc biệt là bảo đảm sự tôn nghiêm, phù hợp định hướng phát triển KT-XH.

Từ những yếu tố đó, Thiền viện là công trình có vị trí đặc biệt quan trọng đối với huyện Yên Dũng, là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Việc xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng tạo thêm cảnh quan sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần tạo bước đột phá về phát triển du lịch của huyện. Cùng đó là nơi lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân, tiếp nối tư tưởng dòng thiền Trúc lâm. Đặc biệt, đây là công trình kết nối du khách với hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như: Đền Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm, non thiêng Yên Tử, chùa Kem, xã Nham Sơn (nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế)…

Trong quần thể các công trình kiến trúc của Thiền viện có rất nhiều nét đặc sắc, gắn kết được sự tôn nghiêm, đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, hòa quyện với hồn thiêng của sông núi nơi đây. Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến ngoài con đường đi bên sườn núi, từ chân Thiền viện lên cổng Tam Quan là con đường để du khách thả bộ hơn 300 bậc đá rộng thênh thang. Cổng Tam Quan đón du khách với hàng chữ “Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng”. Đáng chú ý hơn là Chính điện – hạng mục chính của quần thể kiến trúc được thiết kế xây dựng cao và rộng, phù hợp với lối kiến trúc truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Diện tích tổng thể khuôn viên chính điện (bao gồm cả tầng 1 và tầng 2) là 3.000m2. 

Phía trước là lầu chuông và lầu trống, sắp đặt cạnh cổng tam quan tạo thế cân xứng, hài hòa. Bên trong Chính điện được trang trí hệ thống tranh vẽ tường mang tới khoảng không gian rộng, đậm chất nghệ thuật và đầy màu sắc kể về lịch sử cuộc đời hoạt động của đức Phật Thích ca từ khi Ngài mới sinh ra đến hết cuộc đời. Cùng với đó là hệ thống các tượng điêu khắc về Bổn sư Thích ca mâu ni, ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù sư Lợi, Tổ sư Đạt Ma và tượng Tam Tổ Trúc lâm thời nhà Trần là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Đồng Kiên Cương Pháp Loa và Trúc lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái.

Không gian Thiền viện luôn an lành, hoan hỷ, hiện tiền, chan hòa trong cảnh vật, sơn thủy hữu tình, muôn hồng ngàn tía của các loài hoa, ríu ran tiếng chim rừng hòa cùng tiếng chuông ngân vang vào tâm tưởng của mỗi người.

Tin Cùng Chuyên Mục