PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG

Pháp Viện Minh Đăng Quang tọa lạc tại số 505 xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh. Theo đường quốc lộ chính, từ xa đã thấy Pháp Viện, không khó để nhận thấy một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc trưng hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ. Trải qua 45 năm hiện hữu, Pháp viện Minh Đăng Quang như một đóa hoa trang nghiêm, một không gian tĩnh lặng, trợ duyên cho khách hành hương chiêm bái tìm về sự an tịnh tâm hồn.

Pháp viện Minh Đăng Quang do Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất Sĩ sáng lập năm 1968. Lúc bấy giờ, Pháp viện tọa lạc trên một vùng đất nguyên là bãi đổ rác của thành phố, phía trước là khu ruộng đồng hoang sơ với tổng diện tích là 62.000m2.

Pháp viện Minh Đăng Quang được xây lên với dụng ý làm một trung tâm hoằng pháp lâu dài và tương xứng với sự phát triển của Giáo hội Tăng – già Khất Sĩ Việt Nam.

Buổi đầu, Pháp viện chỉ gồm ngôi chánh điện cất tạm hình chữ nhật và một số am cốc bằng tre lá. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng trong giáo đoàn đã không quản ngại vừa tu tập vừa dọn dẹp, san lấp, vun xới… để ngôi phạm vũ có được một diện mạo trang nghiêm trầm tịnh.

Chư Tôn đức trong Giáo đoàn như Hòa thượng Giác Phúc, Trưởng lão Giác Huyền, Hòa thượng Giác Lai đều có công lớn trong việc duy trì và phát triển ngôi phạm vũ này. Từ cổng tam quan, khách đến thăm sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành dưới những tàng cây cổ thụ rợp mát, đó là thành quả của việc vận động trồng cây xanh tạo cảnh quan do Pháp viện chủ trương năm 1989.

Du khách cũng được chiêm bái tôn tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm, đức Bồ-tát Di-lặc và Tổ sư Minh Đăng Quang được tôn trí phía trước chánh điện trong một không gian thanh tĩnh với những hàng cây tỏa bóng mát. Bao bọc chung quanh khuôn viên là những biệt thất tịnh tu của chư Tăng cùng với thư viện, dãy Tăng đường, khu sinh hoạt của Phật tử… Tất cả được thiết trí hài hòa, phù hợp với môi trường, cảnh quan và mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo.

Chính vì môi trường lý tưởng như vậy, nên những ngày tháng cuối đời của Đức Nhị Tổ Giác Chánh, Ngài đã lưu trú tịnh tu nơi này trong một khoảng thời gian dài trước khi về miền Tây rồi viên tịch. Đó là cảnh trí của Pháp viện Minh Đăng Quang sau 30 năm thành lập.

Ngày 28 tháng 06 năm 2009, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Hòa thượng Giác Phúc (Viện chủ), Hòa thượng Giác Toàn (Đại diện Thường trực Giáo phẩm Hệ phái), chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh như Hòa thượng Thích Trí Quảng và Tăng Ni các quận huyện, chư Tăng Ni các Giáo đoàn tổ chức lễ khởi công đại trùng tu.

Diện tích đất hiện còn là 37.490m2, mặt tiền hướng ra xa lộ Hà Nội, cánh hữu là đại lộ Đông Tây, mặt hậu là đường Lương Định Của. Tòa Pháp viện Minh Đăng Quang được kiến thiết thành một đại già-lam tương xứng với nhu cầu cần có một trụ sở mang tầm vóc quốc tế để hoằng pháp lợi sanh và giao lưu với Phật giáo thế giới trong giai đoạn toàn cầu hóa.

Hạng mục chính tọa lạc ở giữa là một kiến trúc ngang 40 mét, dài 70 mét, cao ba tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32 mét. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 mét, dài 50 mét. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết-bàn. Tầng dưới thiền đường là giảng đường rộng 40 mét, dài 50 mét.

Phía sau là một sảnh lớn đa chức năng. Ngoài ra còn có một tầng hầm dùng làm nhà bếp và trai đường. Phía sau kiến trúc chính là tòa nhà “Tây Phương Cực Lạc” cao 5 tầng, dài 36 mét, rộng 12 mét, thờ chư vị lịch đại Tổ sư và Cửu Huyền Thất Tổ, sau nữa là khu vực Tuệ Tĩnh Đường và những hạng mục Từ thiện xã hội.

Bốn góc của kiến trúc chính là bốn ngôi tháp. Tháp bên trái phía trước có tên là Tháp Ca-diếp, nơi thờ bảy đức Phật quá khứ và lịch đại Tổ sư. Tháp bên phải phía trước có tên là Tháp Xá-lợi-phất. Tầng trên của tháp Xá-lợi-phất tôn trí Pháp bảo tam tạng kinh luật luận bằng các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Hán, Anh, Việt… có nội dung triết học, văn học, sử học Phật giáo… Tầng trệt là phòng đọc sách dành cho mọi đối tượng. Hai tháp phía sau là nơi thờ linh cốt của chư Tăng và Phật tử.

Nối kết giữa các tháp là dãy hành lang 2 tầng để tạo khoảng không gian cho Phật tử thiền hành trong các khóa tu. Phía trên hành lang có bốn tháp một cột thờ bốn vị Bồ-tát theo truyền thống Phật giáo Đại thừa: Văn Thù, Phổ Hiền, Đại Thế Chí và Địa Tạng.

Lần đại trùng tu này, ngôi chánh điện sàn bằng gỗ thông năm xưa được dời vào bên trong để chư Tăng tại đạo tràng vừa có chỗ để tụng kinh bái sám khi công trình chưa hoàn mãn, mà cũng là để lưu niệm ngôi chánh điện cũ, nhờ đó mà ngày nay ngôi đại Chánh điện, thiền đường và giảng đường mới có mặt. Tất cả tượng Phật, Bồ-tát và cốc thất của chư Tăng cũng được di dời và quy hoạch trong một bố cục hài hòa của một ngôi tự viện uy nghiêm tiêu biểu của Hệ phái.

Vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 2014, nhân Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, được sự chấp thuận của chính phủ Sri Lanka và Giáo hội Phật giáo Sri Lanka, Hòa thượng Phó Tăng Thống đạo hiệu A. Wajirajothi Maha Thera kính tặng Giáo hội Việt Nam cây Bồ Đề được chiết từ cội Bồ Đề trên 2000 năm tuổi ở Sri Lanka và được trồng tại pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Ngọ.

Ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ – 2014, Pháp viện Minh Đăng Quang là điểm tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Đó là một hiếu sự trọng đại đối với môn đồ đệ tử. Sự kiện này cũng đánh dấu một quá trình hình thành và phát triển 70 năm Đạo Phật Khất Sĩ có mặt trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Hiện tại có 60 vị tăng đang trú xứ và tu học tại pháp viện. Mỗi tháng với 4 ngày chủ nhật và 4 ngày sám hối, Hòa Thượng trụ trì Thích Giác Toàn và tăng chúng tại pháp viện sẽ có một thời giảng pháp đến toàn thể hội chúng.

 

Tin Cùng Chuyên Mục