CHÙA TỪ HIẾU

Chùa Từ Hiếu toạ lạc ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường  Thủy Xuân, TP. Huế, là một ngôi chùa với lịch sử hình thành từ lâu đời, mang theo câu chuyện cảm động về tình phụ tử từ thời xa xưa ấy, không những vậy, ngôi cổ tự cổ này còn được nhiều người yêu thích bởi cảnh quan, những nét kiến trúc mang đậm chất Huế xưa, đem lại cảm giác an yên, tịnh tâm khi bước chân đến đây.

Năm 1843, Hòa thượng Nhất Định, từ bỏ chức vụ “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” trong Hoàng Cung, sau cáo lão lui về ở ẩn để nuôi dưỡng mẹ già. Là người con có hiếu, tương truyền rằng có lần mẹ già ốm yếu, lâm bệnh nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng mãi vẫn không khỏi, nên phải bồi dưỡng thịt, cá để chóng lành, hàng ngày ông phải chống gậy băng rừng vượt qua 5km để mua thịt, cá mang về cho mẹ già ăn. Người dân thiên hạ đồn đoán là hòa thượng nhưng lại ăn mặn , bỏ ngoài tai những lời nói ấy, ông vẫn tận tâm chăm sóc mẹ già.

Câu chuyện đến được tai của vua Tự Đức, vốn là người con hiếu thảo, khi biết được chuyện nhà vua liền lấy lòng cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự” .Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình thấu hiểu lòng hiếu thảo, đức độ của vị sư này, nên cho người mở rộng và tu sửa Thảo Am thành chùa Từ Hiếu.

Trên tấm bia tại chùa Từ Hiếu còn ghi rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Đối với người Huế, đây là câu chuyện cảm động về tình phụ tử, và từ đó chùa Từ Hiếu được cho là chốn an yên, thiền môn về đạo hiếu trong suốt thời gian qua.

Chùa Từ Hiếu nằm khuất mình giữa rừng thông bát ngát, có khe nước uốn quanh, tạo nên phong cảnh hữu tình. Lấy chữ “ Khẩu” để xây thành, cấu  trúc ngôi chùa theo kiểu ba căn hai chái, trước là điện thờ Phật, sau là Quảng Hiếu Đường, hai bên sân chùa có hai lầu bia để ghi lại lịch sử hình thành qua từng giai đoạn. 

Điều khiến du khách không ít tò mò, chính là nghĩa trang, đây là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.

Không chỉ gắn liền với câu chuyện cảm động về đạo hiếu, ngôi chùa là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ và khung cảnh thiên nhiên của chốn nước non như lạc vào chốn bồng lai hư ảo, mang lại cảm giác thoải mái, tịnh tâm khi đến đây.

Với địa thế đẹp, yên tĩnh, thoáng mát, trái ngược với cuộc sống xô bồ của chốn thành thị, nên vào các ngày nghỉ chùa đón được lượng khách lớn đến tham quan, dã ngoại. Nếu cảm thấy mệt mỏi, áp lực với cuộc sống thì chùa Từ Hiếu là nơi giúp tịnh tâm, thanh thản, cùng hòa mình vào chốn thiên nhiên yên bình, thoải mái để quên đi những phiền muộn, âu lo.

Tin Cùng Chuyên Mục