CHÙA RATANADIPÀRÀMKOSKEO (CHÙA Ô MỊCH)

Chùa Ô Mịch có pháp danh: Ratanadiparamakohkeva, được xây dựng năm 1657 trong khuôn viên 26.000 mét vuông, tọa lạc tại ấp Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chùa Ô Mịch được xây dựng vào những năm giữa thế kỷ XVI. Trong những năm chiến tranh, ngôi chùa là công trình kiến trúc kiên cố duy nhất của ba ấp Ô Mịch, Sóc Ruộng, Rùm Sóc và nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của nhân nhân trong vùng, mà còn là địa điểm nuôi chứa cán bộ cách mạng, là nơi tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị và là vùng căn cứ của Huyện ủy Cầu Kè.

Chùa tọa lạc trên một địa bàn hiểm yếu, sư sãi, phật tử kiên định một lòng đi theo Đảng nên chùa trở thành chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Nhiều cán bộ, Đảng viên đã được sư sãi, phật tử chở che, bảo vệ. Chùa là cái nôi của phong trào cách mạng trong vùng, là nơi khởi xướng và đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị. Nhiều vị sư sãi sau khi hoàn tục đã tham gia kháng chiến. Đặc biệt, sư cả Thạch Som đã có gần 15 năm tham gia kháng chiến và giữ nhiều trọng trách ở Nam Bộ như: Chủ tịch Hội Sư sãi đoàn kết Khmer Nam Bộ, Phó Chủ tịch Mật trận Dân tộc Giải phóng Khu Tây Nam Bộ, Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sư cả là tấm gương cho nhiều vị sư, thanh niên Khmer noi theo.

Ngoài ra, chùa Ô Mịch còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Từ kiến trúc cổng chùa, chính điện đến các công trình như sa la, tăng xá… đều mang tính nghệ thuật cao và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chùa  là trung tâm văn hóa, giáo dục và cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Khmer.

Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xếp hạng di tích chùa Ô Mịch nhằm tôn vinh và khẳng định giá trị khoa học, lịch sử của di tích; góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin Cùng Chuyên Mục